Đã lâu lắm rồi không trở về thăm lại trường cũ. Bao nhiêu lo toan, công việc, áp lực của cái vòng xoáy cuộc đời cứ xô dạt con người ta đi. Đôi lúc, thời gian để nghỉ ngơi, về thăm quê hương, gia đình còn không có; huống hồ, để ngồi ôn lại kỷ niệm hay về thăm lại những chốn cũ, nơi xưa…
Tôi cũng ngụp lặn, vùng vẫy trong cái vòng xoáy của cuộc đời. Để rồi, hơn 8 năm kể từ ngày bước chân ra khỏi trường, không được mấy lần tôi trở lại thăm nơi ấy.
“Hôm nay tôi trở lại thăm trường cũ
Nhiều nét đổi thay, tường mái rêu mờ…”
Đúng vậy, hôm nay tôi trở lại về thăm trường cũ, sau bao nhiêu năm xa cách. Trường xưa giờ đã có nhiều nét đổi thay. Nhưng vẫn còn đó những nét xưa, dáng cũ, những vết dấu kỷ niệm của một thời thơ ngây, trong sáng ngày nào… Bỗng nhiên tôi nhớ bạn, nhớ thầy cô, nhớ những kỷ niệm vui buồn một thuở…
Trường tôi là trường huyện. Tuy là trường huyện, nhưng là của một huyện nghèo nên trường cũng nghèo lắm. Ngày ấy, trường chỉ gồm 19 phòng học chia làm 3 dãy. Dãy C gồm 3 phòng đã quá cũ kỹ, tối tăm, ẩm thấp. Dãy A là một dãy nhà 2 tầng với 8 phòng học. Dãy này cũng đã cũ lắm rồi. Dãy B là mới nhất, cũng một dãy nhà 2 tầng với 8 phòng học.
Nay tôi trở về, trường đã có nhiều đổi thay. Một dãy nhà mới để làm thư viện và phòng thí nghiệm đã mọc lên tự khi nào. Dãy C quá xuống cấp đã đập bỏ đi, và một dãy phòng học mới 2 tầng khang trang được mọc lên gần ấy.
Cái nhà giữ xe đầy kỷ niệm, nơi những chàng trai cô gái trẻ trung, thanh tú của ngày xưa vẫn tíu tít nói chuyện và đợi chờ nhau mỗi lúc tan học về đã được chuyển sang một vị trí khác, những cây tùng, cây phượng bé con của ngày xưa, giờ đã thêm tám tuổi, nên cũng đã cao, to hơn rất nhiều. Chúng có nhớ ngày xưa, cái thời quậy phá bị phạt đi lao động, tôi tưới nước cho chúng không nhỉ? Hihi…
Thay đổi là vậy, nhưng nhìn chung cảnh vật không lạ lẫm là bao. Vẫn còn đó cái dãy hành lang mà sau kỳ nghĩ Tết, bạn bè tôi đem hạt dưa vào lớp cắn, rồi chọi nhau, vương vãi khắp nơi. Để rồi thầy chủ nhiệm giận dữ bắt đi nhặt bằng tay từng cái vỏ (không cho dùng chổi quét). Hihi…
Vẫn còn đó cái khoảng sân, mà giờ ra chơi, kẻ đứng trên lầu thì bẽn lẽn ngó xuống, kẻ đứng dưới đất thì bồi hồi ngó lên. Hai ánh mắt chạm nhau, mặt ai, người nấy đỏ…
Nhớ hình ảnh thầy tôi, đầu tóc muối tiêu, giọng sang sảng nhưng ấm áp, dạy cho chúng tôi không chỉ là kiến thức, kinh nghiệm mà còn là ước mơ, là hoài bão, là những câu chuyện đạo đức và triết lý sống sâu sắc, mà tôi, đến bây giờ mới trở nên thấm thía.
Giờ tôi cũng là một người thầy, mới biết rằng cuộc sống của thầy cô mình ngày ấy cũng còn nhiều vất vả lắm. Bởi thế thầy cô tôi ngày ấy sống đơn sơ, đạm bạc, nhiều lo toan, chứ chẳng lấy gì là sung túc, đầy đủ.
Nhưng khi đã lên lớp, thì thầy cô luôn lạc quan, yêu đời, thương yêu học sinh hết mực. Ánh mắt thầy cô rạng ngời niềm tự hào và hy vọng. Tự hào vì thầy cô chính là con đò, chở những ước mơ sang sông, để những ước mơ ấy vươn cao, bay xa mãi mãi. Và hy vọng! Hy vọng các em sẽ nên người, sẽ thành người tốt, sẽ thành công và hạnh phúc, và đóng góp cho đời.
Đi xa, biết nhiều, mới thấy trường tôi vẫn còn nghèo lắm. Nhưng chính cái trường nghèo vùng quê nghèo này, lại chính là nơi đã chấp cánh ước mơ cho không biết bao nhiêu tài năng, bao nhiêu những con người thành công, thành đạt vượt bậc.
Ngẫm lại mới thấy, xuất thân của một con người không phải là quá quan trọng. Vì không ai có thể lựa chọn xuất thân cho mình. Nhưng những nỗ lực và cố gắng của mỗi cá nhân mới quan trọng. Quê nghèo, trường nghèo, trò nghèo, nhưng những ước mơ, sẽ vẫn còn mãi bay cao, bay xa….
Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn. Nhưng những ước mơ tươi đẹp ngày xưa sẽ không bao giờ ta quên lãng. Thầy ơi, cô ơi! Em sẽ sống tốt, sống hết mình, sống rực cháy như ngọn lửa. Để cống hiến, để hạnh phúc, để thành công không chỉ cho riêng em, mà cho cả những hy vọng và ước mơ mà thầy cô đã gửi gắm vào lũ học trò nhỏ ngày nào…
Hi anh! Lâu lắm rồi anh mới trở lại nha!
Anh cho em hỏi, kẻ đứng trên lầu thì bẽn lẽn ngó xuống, kẻ đứng dưới đất thì bồi hồi ngó lên. Sao anh bắt gặp được khung cảnh này vậy?? hihi. Hay anh là một trong hai kẻ ấy? hì
Bọn bạn anh nó kể cho anh nghe. Hihi…
Ngày đó anh mà thích cô nào là anh lên đến nơi, chứ đứng mà nhìn không à? Haha…
Khốn nỗi ngày đó ngu ngơ quá… Haha!
” Xuất thân của một con người không phải là quá quan trọng. Vì không ai có thể lựa chọn xuất thân cho mình. Nhưng những nỗ lực và cố gắng của mỗi cá nhân mới quan trọng”. Em sẽ dùng câu nói này của anh để nói chuyện với bọn trẻ (học sinh của em. hì). Mong chúng tự tin và phấn đấu nhiều hơn.
“Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa, đi quét lá đa”
Nhưng thực tế không biết bao nhiêu con vua đã không được làm vua.
Lý Công Uẩn con nuôi của sãi ở chùa, nhưng đâu có quét lá đa. Ông làm vua đấy chứ.
Xuất thân tốt là điều kiện tốt. Nhưng không quyết định. Bao nhiêu người đã thành công từ xuất thân không lấy gì làm tốt của mình. Đó là nhờ sự cố gắng của họ vậy.
Chúng tôi đang chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày ra trường và đọc được tâm sự của bạn. Bài viết của bạn khá nhiểu cảm xúc, cảm ơn bạn rất nhiều.
Bạn không nên lấy hình tượng Lý Công Uẩn ra làm minh chứng phản biện cho “Con sãi ở chùa…”. Bạn nên tìm hiểu kỹ hơn lịch sử Việt Nam đặc biệt về thiền sư Từ Đạo Hạnh và phật giáo Việt Nam nhé!
Cảm ơn bạn nhiều
Rất cảm ơn bạn đã góp ý.
Mình cũng rất thích lịch sử, và theo những gì mình biết thì Lý Công Uẩn khi lên 3 tuổi thì mẹ ông đem ông cho sư Khánh Văn, trụ trì chùa Cổ Pháp làm con nuôi và đi tu từ đó. Sau đến năm 7 tuổi, ông được cha nuôi gửi cho một người bạn là thiền sư nổi tiếng là Vạn Hạnh dạy dỗ.
Như vậy Lý Công Uẩn rõ ràng không phải là con vua, mà là con nuôi của sư Khánh Văn, trước khi được thiền sư Vạn Hạnh dạy dỗ.
Vậy mình nói Lý Công Uẩn là “con sãi ở chùa” có lẽ chỉ sai chữ “sãi”. Vì nhà sư Khánh Văn là “sư” chứ không phải là “sãi”.
Nhưng ý mình muốn nói rằng Lý Công Uẩn rõ ràng không phải là con vua, nhưng vẫn có thể làm thành một vị vua hiển hách, thì mọi người cũng có thể làm được như thế. (Không hề có ý hạ thấp Lý Công Uẩn)
bài hay quá cảm ơn anh khi đọc em đã cảm thấy sâu sắc và thắm thía nhiều hơn về tuổi học trò của mình
ngày nào…
Không có bài viết nào có liên quan.
:((
Hình như cùng trường 🙂🙂