Tôi xin bắt đầu bài viết này bằng câu chuyện về bà chị họ của tôi. À quên, đầu tiên xin giới thiệu với các bạn tôi có một người chị họ. Gọi là chị họ nhưng mỗi người một họ. Hihi.. Nói cho vui chứ chị họ, nhưng họ hàng xa lắm. Chả biết bà con như thế nào. Chỉ biết người lớn nói là chị họ thì là chị họ thôi.
Chị ấy vui tươi, xinh xắn, rất nhiều các anh chàng theo đuổi. Nhưng chẳng có chuyện nào đi đến đâu. Tôi tính thẳng thắn lại hay đùa ngẳn (đùa cắc cớ) nên hỏi có bận hỏi chị: Ủa chị có “bị sao” không sao anh nào cũng quen một thời gian rồi thôi vậy? Có cần đi Thái Lan một chuyến không?
Chị la: Bị sao cái đầu mày ấy. Chị con gái 100% nhé. Có điều mấy anh ấy… không có anh nào còn… ÔNG cả…
Ặc! Chị cứ đùa. Không có nhà mặt phố bố làm to thì em còn hiểu được. Không có ÔNG thì liên quan gì ở đây?
Rồi chị mới thủ thỉ kể cho tôi nghe. Chị nói cha mẹ chị đều là con út trong nhà. Đến khi chị sinh ra thì ông bà nội ngoại đều đã khuất núi cả. Lúc bé chị đi học, vẫn nghe những câu chuyện, những hình ảnh về ông. Ông tóc râu tóc bạc phơ, mặt hiền như ông bụt, ông thường kể cho cháu nghe những câu chuyện cổ tích ngày xưa, ngâm cho cháu những câu ca dao, tục ngữ, rồi lại răn dạy cháu những điều lẽ phải làm người. Chị thích lắm!
Rồi mấy đứa bạn học còn ông, bọn nó hay kể cho chị nghe về ông nó lắm. Mà cũng tại chị hay hỏi về chuyện đó cơ. Có đứa kể ông tao râu dài bằng chừng này này, dài như râu ông tiên trong truyện. Bạc trắng luôn nhé. Ông tao kể chuyện Thạch Sanh này, chuyện Tấm Cám này, chuyện Cây khế này. Rồi ông dạy: Tham thì thâm. Ở hiền thì lại gặp lành nha con. Chị thích thích thích lắm.
Có đứa lại kể cho chị nghe là ông tao vót cho tao que tính đi học này. Ông tao chuốt từng chút, từng chút đến khi que tính nhẵn bóng mới thôi nhé, rồi tề đầu cẩn thận. Cả hai chục que, que nào cũng giống như que nào nhé. Rồi nó chìa cho chị xem bó que tính. Nhìn bó que bẻ vội của mình. Chị ước gì mình có ông.
Đứa lại kể cho chị nghe ông tao kể chuyện Trạng Quỳnh, truyện Tàu hay như sách luôn. Rồi nó kể lại cho chị nghe chuyện Trạng thông minh thế nào, chơi khăm chúa ra sao, Tôn Tẫn đấu với Bàng Quyên thế nào… Đứa bạn kể lại cho chị chỗ nhớ, chỗ quên mà chị còn thấy thích đến mê tơi. Nếu chị có ông thì ông chị sẽ kể hay hơn nó gấp ngàn lần. Giá mà chị có ông nhỉ?
Nhưng sự thật là chị không còn ông. Nhưng chị có cách. Chị ước mai mốt chị lấy chồng sẽ lấy một anh còn ông. Để mình cũng được có ông. Để nghe ông kể chuyện. Để chị chăm sóc ông, nấu cơm pha trà cho ông, để ông kể chị nghe chuyện ngày xưa, khuyên răn, dạy bảo.
Đó, vậy đó, chị mong muốn lấy chồng còn ông để mình cũng có ông, mà khổ một nỗi mấy chàng trai vừa rồi không ai đủ điều kiện nên chị cho trả số de hết. Hihi…
Ngẫm câu chuyện của chị mà tôi thấy mình thật may mắn. Ít ra thì tôi có tuyển vợ cũng không cần cái điều kiện là vợ phải còn ông (Hic… Mà không có cái điều kiện ấy mà tôi còn tuyển hoài không được, thêm cái điều kiện ấy vào chắc ế tới già quá. Hihi…) Vì từ nhỏ tôi đã may mắn là được sống chung với ông bà nội và ở rất gần nhà ông bà ngoại (chỉ 5 phút đi bộ), nên tôi có được tình thương, sự chăm sóc của cả ông nội lẫn ông ngoại.
Tôi rất yêu các ông tôi. Trong một bài viết sau, tôi sẽ nói về ông Ngoại, còn trong bài viết này tôi kể về ông Nội trước. Không phải do tôi bị ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo trọng bên Nội hơn bên Ngoại nhé, đơn giản vì tôi sống chung với ông Nội từ nhỏ nên gần gũi với ông Nội hơn.
Nội tôi mồ côi khi mới hơn mười tuổi. Cái thời chiến tranh loạn lạc ấy, ông bà cố thì mất, các anh em thì ly tán một người một nơi, nên ông trở thành cô độc trên chính mảnh đất quê mình: Bình Định. Ông nghe lời người lớn vào Nam lập nghiệp, rồi một thân một mình phiêu bạc vào mảnh đất Lâm Đồng (bây giờ), quê hương thứ 2 của ông. Bắt đầu với hai bàn tay trắng cùng công việc cày thuê cuốc mướn hết sức nặng nhọc, nhưng ông tôi lại xây dựng được một cơ nghiệp tương đối khá giả. Nội chính là người tôi hết sức kính trọng và khâm phục vì sự tự lập và ý chí vươn lên của mình.
Bước vào vùng đất mới khi chưa có được sức vóc của một chàng trai, ông tôi đi làm thuê cho những nhà có đất có ruộng. Ngày ấy trồng rau vất vả làm. Làm đất thì bò cày, tưới nước thì gánh bằng đòn gánh 2 bên 2 thùng. Thu hoạch thì cũng phải gánh ra tận ngoài xa thì mới có xe bò chở về được. Ông kể mỗi sáng phải dậy thật sớm, 2 tay 2 thùng nước, trên vai là cái đòn gánh. Mà ở vùng đất quê mình (Đơn Dương, Lâm Đồng), sáng sớm trời rất là lạnh. Ông nói ngày ấy rừng còn nhiều, cây cối còn nhiều. Buổi sáng còn lạnh hơn bây giờ nữa.
Lạnh thì lạnh nhưng sáng phải dậy cho sớm, rồi đằm tay xuống suối mà múc nước. Rồi gánh đi từng hàng mà tưới rau. Nước văng tung tóe, ướt hết cả quần áo. Nghe ông kể thôi mà tôi còn thấy lạnh nữa là. Đó, ông tôi khởi nghiệp như thế đó!
Ông đi đến khi thành một chàng thanh niên sức vóc thì lấy bà tôi. Tôi chưa bao giờ nghe ông hai bà gì kể về chuyện ngày xưa lấy nhau như thế nào. Nhưng thời ấy nghèo. Ông tôi mồ côi, bà tôi cũng mồ côi, chắc là đơn giản lắm…
Lập gia đình rồi thì ông khai khẩn đất đai để trồng trọt (những năm 30, 40 thế kỷ trước đất đai quê tôi còn rừng, còn hoang sơ nhiều, ai có sức làm thì dỡ hoang mà làm thôi). Rồi dùng tiền tích góp trong thời gian làm thuê để mua một cặp bò đi cày thuê.
Ngày ấy, con trâu (bò) đúng là đầu cơ nghiệp. Dỡ hoang cũng phải trâu bò kéo cây, nhổ rễ. Làm đất thì từ từ đất rẫy đến đất ruộng, chỉ có con bò đi trước cái cày đi sau. Bắp, đậu gì trồng một thời gian cũng cày giữa hàng cho bớt cỏ, để bỏ phân bón cho cây tốt tươi hơn. Ông tôi lại là một người chịu khó, chịu khổ, cày thì cày cật lực, đàng hoàng, cẩn thận không gian dối, nên chẳng mấy chốc mà ông nổi tiếng khắp vùng, công việc làm không xuể.
Công việc cày thuê tốt, cộng với việc bà tôi và các bác, các cô trồng trọt cũng khá nên nhà mình lúc đó bắt đầu có của ăn của để. Đó có thể là một vận may, nhưng cũng phần lớn là nhờ sự chịu thương chịu khó của ông tôi. Nhưng không chỉ vậy, khi có được một số vốn, ông tôi càng tỏ ra là một người làm kinh tế đáng khâm phục. Ông tôi không phải chỉ là một nhà nông chỉ biết con bò cái cày mà còn biết vận dụng đến máy móc.
Khi cả làng cả xã phát triển trồng mía, thì ông đầu tư tiền vốn mở lò đường, thu mua mía rồi nấu đường bán. Vừa giải quyết được đầu ra cho người dân trong xã, vừa thu lại lợi nhuận rất tốt. Mùa khô, ông mua máy nổ Diezen cho người ta thuê để tưới rẫy, tưới ruộng. Ngày ấy mua một cái máy nổ là cả một gia tài, không mấy người trong làng có thể mua về tưới được, nhưng đến mùa khô mà tưới bằng thủ công không thì cũng không nổi. Thế là ông tôi mua máy cho thuê. Trước là giải quyết nhu cầu tưới tiêu của người trong làng, sau là kiếm tiền cho mình.
Hồi đó quê tôi cả làng chỉ có cái nhà máy xay xát gạo của ông. Lúa nước rồi lúa rẫy, bà con làm rất nhiều. Nhưng thời trước thì giã gạo, sau thì phải chở đi qua thị trấn rất xa mới có chỗ xay. Vậy là ông làm nhà máy xay gạo. Nhà máy cũng làm ăn tấp nập cả một thời gian dài trước khi ông tôi bán lại. Mấy cái đồ nghề máy móc từ thời ông làm máy gạo, mấy anh em tôi vẫn hay thường lục ra chơi (có lẽ vì thế mà giờ tôi thành dân Kỹ thuật).
Rồi ông còn mua máy tuốt lúa, máy trảy hạt bắp về tuốt lúa, trảy bắp thuê cho cả làng cả xã. Tốt người, lợi ta. Chẳng mấy chốc mà ông trở thành một trong những nhà khá giả nhất làng.
Tôi kể ra đây không phải khoe khoang về cái quá khứ có phần “hào hùng” của nhà tôi, cũng không phải để khoe về cái “tài sản” đã từng tương đối khá giả của nhà tôi ngày ấy, mà tôi kể ra đây để khoe với bạn về ông tôi, một người chịu thương, chịu khó lại rất biết tính toán làm ăn. Một nhà nông nhưng không phải chỉ biết con trâu cái cày, mà còn biết máy móc và kinh doanh. Không biết mọi người thế nào chứ kỳ thực là tôi nể ông tôi lắm. Tôi mà có được chút lanh lợi và đầu óc kinh doanh của ông thì chắc hẳn đã không có túng thiếu thế này. Hihi…
Có thể sự thành công của ông tôi có một chút may mắn. Nhưng tôi biết chắc rằng, may mắn ấy có thể đã không có được nếu như không có tình yêu lao động lớn lao của ông. Thời trai trẻ ông làm việc rất chăm chỉ. Từ thời đi làm thuê ông đã thế, cho nên rất được nhà chủ thương yêu, tin tưởng. Đến thời đi cày thuê thì ông vẫn vậy. Sáng đến sớm, tối về muộn (ngày ấy tiền cày tính theo ngày công), làm việc cẩn thận tỉ mỉ nên chẳng chốc mà nổi tiếng cả một vùng. Ngày ấy sáng ông đã dậy sớm đánh xe bò ra đồng, trưa người ta nghỉ ngơi ông đi cho bò uống nước, ăn miếng cỏ. Chiều cày xong phải đi cắt cỏ, thả bò ăn đến tối mịt mới về.
Đến lúc làm máy làm móc (nhà máy xay xát gạo, máy tưới nước, máy tuốt lúa, trảy bắp, nhà máy đường…) thì chuyện thức khuya dậy sớm cũng thường. Ấy là tôi nghe người nhà kể vậy, chứ thời ấy tôi còn ở tận đâu đâu, lấy gì mà thấy. Nhưng những điều tôi thấy sau khi tôi được sinh ra thì vẫn như vậy. Ông vẫn là một con người yêu lao động hết mực.
Khi tôi bắt đầu có nhận thức thì ông tôi cũng đã 70 tuổi. Sau bao nhiêu ngày tháng vất vả, gia đình cũng đã yên ổn, khá giả nên ông “nghỉ hưu” ở nhà. Nói là nghỉ hưu là không ra đồng làm việc như một lao động chính thức thôi chứ chưa bao giờ ông dừng làm việc. Lúc nào tôi cũng thấy ông ra sau vườn. Khi thì tưới mấy cây bơ, bón phân, trảy chùm gửi (ăn bám lên cây). Lúc thì làm giàn trồng xu xu, trồng bầu, trồng bí, trồng mướp, khổ qua, cải đắng, dưa chuột, đậu que, đậu đũa… Ngày ấy xu xu, bầu, bí, mướp… ông trồng nhiều nhà tôi ăn không hết phải bán bớt nữa đấy.
Đến gần tết thì ông trồng bông vạn thọ. Ngày ông còn sống, năm nào cũng có vạn thọ đẹp mà chưng Tết. Còn đem cho các cô, các bác và cả hàng xóm nữa. Ngày ấy, cây cối sau vườn lúc nào cũng tốt tươi. Chẳng thế mà khi ông mất đi, mấy cây bơ sau nhà dù đã được ba tôi cẩn thận cho quấn khăn tang vẫn héo úa rồi chết hết gần một nữa. Những cây còn lại cũng không còn xanh tốt như xưa…
Ông yêu lao động, và làm việc rất chăm chỉ, cần mẵn. Đôi lúc, nghĩ lại mà bản thân tôi không khỏi xấu hổ trước ông. Một tinh thần như thế, một con người như thế phỏng không đáng cho tôi ngưỡng mộ hay sao?
Trong công việc, trong làm ăn thì ông là con người như thế: Chăm chỉ, tự lực, chịu khó, chịu khổ thì trong gia đình ông lại là một người công bằng, phân minh. Bà nội tôi là người mẹ chồng khó tính. Các bác, các cô tôi hình như là thừa hưởng chút tính cách đó của bà. Nên các bác dâu tôi, rồi mẹ tôi, làm dâu không tránh khỏi những vất vả, hục hặc với mẹ và anh em nhà chồng. Trong những trường hợp đó, thì chính ông tôi là người công bằng nhất. Ai đúng thì ông bênh, ai sai thì ông la rầy, sai nặng thì ông đánh đòn… Cho nên các bác dâu tôi và cả mẹ tôi nữa, đều rất kính trọng ông.
Nhớ có lần có chuyện, ông bênh mẹ tôi, la mắng bác tôi. Bác tôi nói ông đi bênh người ngoài. Ông nói: Ai đúng tao bênh, ai sai tao la. Mà người ngoài nào? Nhà mình xe to xe nhỏ rước nó (mẹ tôi) về. Nó cũng đã quỳ lạy trước ông bà tổ tiên nhà mình rồi, làm dâu làm con trong nhà rồi thì người ngoài nào. Nói rồi ông vác cây rượt bác tôi chạy có cờ. Hihi…
Ông tôi là người nóng tính. Con cái, mà cả bà nội tôi nữa, mà sai, mà quấy là ông vác cây rượt, đánh cho ít roi. Nhớ hồi đó tôi còn nhỏ, chả nhớ ba tôi phạm phải lỗi gì, có vợ có con rồi mà ông còn vác cây rượt chạy có cờ. Ba tôi sợ quá phải trốn vào rẫy ở ba ngày không dám về. Báo hại bà nội tôi và mẹ tôi phải mang cơm tiếp tế. Hihi…
Nóng thì nóng nhưng ông vẫn là một người công bằng, phân minh. Không có ông cầm cân nảy mực, hòa giải, khuyên bảo, thì các bác các cô tôi, mỗi người một tính khí, thật khó mà có được cái cảnh hòa hợp (dù không được hoàn toàn trọn vẹn) như hiện nay.
Đối với tôi, ông tôi thương yêu tôi hết mực. Thương nhưng không có chiều. Ông chính là người đầu tiên kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích như: “Ăn khể trả vàng”, “Thạch Sanh”, “Tấm Cám”… Ông tôi cả đời làm nông, chữ nghĩa cũng ít. Ông cũng không có cái khiếu kể chuyện. Từ ngữ cứ thô mộc, cộc kệch như cục đất vừa cày lên, nhưng cũng gần gũi, tự nhiên như mùi của đất. Ông kể một hồi rồi khuyên: “Ở hiền gặp lành” nha con!
Nhưng những lúc tôi hư thì ông cũng đánh đòn, la tôi dữ lắm. Thời còn nhỏ tôi sợ ông lắm. Ông là người dạy cho tôi một trong những bài học đầu tiên “Nguyên tắc cái cột điện” mà tôi đã kể trong bài viết khác. La thì la vậy, nhưng cơ bản ông vẫn rất thương tôi. Nhớ hồi nhỏ nhà tôi trồng mía. Mà mảnh đất đó ngay chỗ nhiều người qua lại, nên thường bị bẻ trộm (để ăn). Ông “nghỉ hưu” rồi nhưng thường hay đi canh mía. Cứ mỗi hôm ông đi về là chọn bẻ vác về 2 cây mía ngon, để mẹ tôi róc cho tôi ăn.
Thời nhỏ đi học, cô giáo bảo làm que tính. Tôi về nói ông. Ông vác rựa, chẻ tre, chuốt từng que tính cho tôi. Mà que nào cũng chuốt cho tròn, cho nhẵn, cho láng bóng thì mới thôi. Chuốt xong ông tề đầu cẩn thận. Hai chục que mà đều tăm tắp như một. Ông bó lại thành bó, đem lên trường. Tôi đem bó que tính lên trường mà lòng tự hào lắm. Bạn bè tôi ai cũng có que tính nhưng không ai có que tính đẹp bằng của tôi cả. Ông tôi làm mà, không đẹp sao được? Hihi…
Còn nhớ ngày đó, thằng em tôi mới đi học. Mà nó không biết làm phép tính cộng trừ. Ông tôi bốc từng hột bắp trải lên bàn ngồi chỉ cho nó từng phép tính nguyên mấy buổi tối. Giờ nó học lên đại học rồi, không biết có còn nhớ mấy chuyện đó nữa không, nhưng tôi thì vẫn nhớ. Nhớ lời ông dặn nó: ráng học nha con. Tiền bạc, địa vị có thể mất đi, nhưng trí tuệ sẽ theo mày cả đời. Mà có trí tuệ thì không lo gì không có những thứ ấy.
Ngày xưa ông tôi cũng hay đi chùa lắm. Giữa tháng, cuối tháng đều ăn chay, và góp khá nhiều tiền để xây dựng chùa ở địa phương tôi. Có lẽ, tôi cũng có một chút tín ngưỡng về Phật giáo và hay đi chùa, là di truyền từ ông…
Ở đời rồi cũng không ai tránh khỏi sinh lão bệnh tử. Ông tôi cũng vậy. Ngày ông ra đi, tôi vẫn còn là cậu sinh viên năm ba, chưa làm ra đồng bạc nào cả. Chưa mua cho ông được cái bánh, hộp sữa. Những ngày ông đau ốm cũng chưa đút được cho ông muỗng cơm, chưa rót được cho ông ly nước. Cái tình thương của ông, tôi một chút cũng chưa đáp đền được…
Để kết thúc bài viết, tôi sẽ kể tiếp về câu chuyện bà chị tôi. Sau mấy năm tuyển chồng với điều kiện phải còn ông mà mãi không được anh nào vừa ý. Con gái có lứa có thì và chị cũng đã gặp được một chàng trai tốt nên chị đã lập gia đình với anh. Anh ấy rất tốt, rất thương yêu chị, nhưng có một điều làm chị tiếc mãi: anh ấy cũng không còn ông. Chị nói với tôi giọng buồn buồn “Cả đời chị có cái ước mơ nho nhỏ là có ông một lần, để mà yêu thương ông, để được ông yêu thương, mà cũng không được mày ạ.”
“Em hơn chị, là em có được tình thương của ông, cả ông Nội, lẫn ông Ngoại. Nhưng giờ nếu có một cô gái nào đó muốn lấy chồng còn ông thì em cũng không còn đủ điều kiện nữa rồi chị ạ!” Tôi nói mà sống mũi cay cay.
Thời gian đem đến cho con người ta nhiều thứ quý giá, nhưng cũng cướp mất của ta nhiều thứ vô giá. Nó đang xóa dần những ký ức của tôi về ông Nội, ông Ngoại và những người thân yêu đã mất. Những hình ảnh có thể phai, ký ức có thể mờ, nhưng sự thương yêu và kính trọng của tôi dành cho ông tôi sẽ còn mãi.
Con thắp nén hương, cầu cho Nội con được an nghỉ yên bình!
Chia sẻ rất hay, em làm anh nhớ ông nội anh quá.
Chúc em luôn thành công!
Bài viết hay quá. Một người cháu hiếu thảo. Em làm anh liên tưởng tới ông nội anh quá. Chúc em thành công, hạnh phúc
Bài chia sẻ của em rất cảm động. Qua đây thấy được một người cháu hiếu thảo, sống rất có tình người. Anh tin rằng em sẽ thành công
Thầy làm em nhớ tới ông của em quá.. em không được gặp ông nội và sống xa ông ngoại nhưng em vẫn nhớ hoài những lúc về thăm ngoại hay ngoại tới nhà chơi. Ngoại thương con thương cháu vô cùng. Ông nội em tính tình cũng giống giống như ông nội của thầy vậy ( qua những câu chuyên mà ba, má và các bác kể lại và em cảm nhận được như thế). Giây phút nhìn ông ngoại đi mà không cẩm được nước mắt, căn bệnh hiểm nghèo hạnh hạ ông, nhìn ông chịu đau đớn mà không biết làm sao giúp được ông, cái cảm giác bất lực ấy thật khó chịu, khó chịu đến mức không thể nào miêu tả thành từ được.Ngày đưa ông, em cũng không thể tiễn ông những bước cuối cùng vì phải tham dự kỳ thi đại học mà với yêu cầu của ông là không được bỏ. Đọc bài của thầy mà thấy nhớ ông, nghẹn đắng nơi cổ họng và khóe mắt lại cay cay. Cảm ơn thầy vì cảm xúc của bài viết này.
Ông em cũng giỏi lắm cơ!! Em còn nhớ hồi nhỏ Ông có làm cho em 1 cái xe tập đi bằng gỗ đấy nhá!( 😀 ). Nhưng mà lúc hơn 2 tuổi thì ba mẹ đưa 2 anh em em vào Lâm Đồng theo tiếng gọi kinh tế mới rồi(nhờ có sự định hướng của các cậu bên nhà Ngoại), nhờ vậy nên bây giờ gia đình em tương đối khá so với các bác, các cô ở lại quê hương. Nhưng cũng vì thế mà kí ức về Ông nội của em chỉ gói gọn trong những hình ảnh của 1 đứa trẻ chưa đầy 3 tuổi(em cũng không biết thế nào mà mình lại có thể nhớ khá nhiều hình ảnh khi nhắc đến Ông, có thể là em kết nối được những kỉ niệm ba đã kể cho em về Ông, về những bức thư Ông viết động viên ba mẹ trong những ngày đầu mới vào vẫn còn khó khăn mà em đọc được, chỉ là có thể thôi nhé, ^_^). Bây giờ, đọc bài chia sẻ của anh em thấy ganh tị với anh quá! Cảm ơn anh vì bài viết, em nhớ quê rồi đây này!! 😀
Bafi viết hay và cảm động quá!! Ông Nội mình giờ vẫn còn sống với gia đình mình nhưng do căn bệnh Lao quái ác nên mình không được gặp ông, phải cách ly. Buồn quá! Mong ông sẽ sớm khỏe lại…