Một câu chuyện, một bài học mà các cô giáo trường Khiếm Thính Lâm Đồng và cô Huệ bên mái ấm Thành Đạt đã dạy cho tôi. Tôi tạm gọi là “Bài học về cách giáo dục”
Nhiều bậc cha mẹ sinh con ra bị khuyết tật thì họ suy nghĩ rằng họ sẽ bảo bọc, che chở, giúp đỡ cho con cái mình. Do đó, đứa trẻ khuyết tật đó không cần đi học, không cần hòa nhập vào cuộc sống, thậm chí không cần phải lao động. Cơm đã có mẹ lo, nước đã có cha rót, công việc đã có anh chị em giúp.
Nhưng bạn ơi, rất tiếc. Cha mẹ rồi cũng phải già, rồi mất đi như một quy luật không thể tránh khỏi của tự nhiên. Anh chị em rồi cũng dựng vợ gả chồng và có cuộc sống riêng. Người khuyết tật này, lúc ấy phải sống như thế nào? Phải dựa vào ai đây? Người ấy sẽ bơ vơ, lạc lõng giữa bộn bề khó khăn của cuộc sống.
Vì vậy, thay thì thương con bằng ý nghĩ là sẽ bảo bọc cho con suốt đời, thì các bậc cha mẹ hãy thương con bằng cách giúp con vươn lên, giúp học học tập, hòa nhập vào cuộc sống và xã hội, tự chăm sóc cho bản thân mình và lao động trong khả năng có thể. Đó mới là cách thương con thật sự.
Khi ấy, dù cho hoàn cảnh thế nào, thì người con vẫn sống và sống tốt được. Người ấy sẽ có niềm vui vì đã đóng góp sức mình cho đời chứ không phải là một gánh nặng cho xã hội. Người ấy được mọi người xung quanh yêu mến và khâm phục thay vì thương hại, xót xa.
Ngẫm lại việc dạy con của nhiều bậc cha mẹ hiện nay, không chỉ là đối với trẻ khuyết tật. Dẫu biết rằng cha mẹ nào cũng thương con. Nhưng hãy biết các thương con. Đừng bảo bọc cho chúng quá mức để biến chúng thành những chú gà công nghiệp ngơ ngác nhưng lúc nào cũng nghĩ mình là cái rốn của vũ trụ. Hãy dạy cho những đứa trẻ đó cách lao động, cách tự chăm sóc mình, và cách sống, cách đối xử với mọi người xung quanh và cách đối đầu với khó khăn trong cuộc sống.
Không cha mẹ nào có thể bảo bọc con suốt đời. Không cha mẹ nào có thể giải quyết tất cả những khó khăn của con.
Hãy dạy trẻ vươn lên, dạy trẻ cách sống, cách lao động. Đừng tạo cho trẻ thói quen ỷ lại và dựa dẫm.
Xin cảm ơn cô Huệ bên mái ấm Thành Đạt và các cô bên trường Khiếm Thính Lâm Đồng vì câu chuyện của các cô đã dạy tôi bài học quý giá này.