“Mỗi người Mẹ đều là một kiệt tác của tạo hóa, của tình thương, lòng bao dung và lòng nhân ái!”
Hôm nay, đã là ngày 6/3. Lên các trang mạng thấy đủ thứ các thông tin để mua quà cho vợ, cho bạn gái… nhân ngày 8/3. Các dịch vụ đặt hoa ngày lễ đặc biệt này cũng trở nên nhộn nhịp, rộn rã. Tự dưng ta buồn!
Chắc tại không có người yêu hay vợ để đưa đi chơi, để quan tâm, chăm sóc, để tặng quà, tặng hoa nên ta buồn chăng?
Ừ, thì cũng có, có chút chút. Nhưng ta buồn, vì ta nghĩ về Mẹ.
Trong tâm trí của ta, kể từ khi ta biết suy nghĩ, biết quan sát và nhận xét, ta chưa từng gặp người phụ nữ nào đảm đang, tài giỏi và chịu thương chịu khó bằng Mẹ. Nhưng ta cũng chưa làm được gì để đền đáp cho Mẹ, dù chỉ là một món quà, một lời chúc nhân ngày 8/3.
Mẹ là con út và cũng là đứa con gái duy nhất của ông bà Ngoại. Sinh ra ở miền quê miền Trung nhiều lam lũ lại bị chiến tranh tàn phá, ông bà Ngoại phải bỏ quê để tản cư vào Nam. Mẹ bắt đầu xa quê từ đó.
Cũng như bao cô gái cùng trang lứa, cùng quê, Mẹ lớn lên, đi học, rồi học hết lớp 9, Mẹ phải nghỉ ở nhà phụ giúp ông bà, vì gia đình Ngoại cũng không có điều kiện kinh tế để Mẹ có thể học tiếp.
Mẹ lấy cha tôi, một phần vì nghe lời khuyên của ông Ngoại: “Lấy chồng gần nhà, có gì còn qua lại thăm cha, thăm Mẹ. Đi làm tranh thủ ghé qua thăm chút cũng được. Chứ cha Mẹ chỉ có một mình con là con gái. Gả đi xa, nhớ lắm!”
Ba tôi là con trai Út, vậy là Mẹ về làm dâu. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Mẹ tôi làm dâu đã phải trải qua không biết bao nhiêu là khó khăn, nhọc nhằn, gian khổ.
Bác tôi, cô tôi, và cả bà Nội tôi thường hay xét nét, nặng nhẹ, gây khó làm khăn với Mẹ. Nhưng Mẹ đã nhẫn nhịn mà bỏ qua tất cả. Đến nỗi mà, chú họ của tôi, chú Chín, người sống trong nhà tôi giai đoạn khó khăn ấy, đã nói rằng: “Mẹ mày là tội nhất, và cũng là người nhẫn nhịn, chịu thương, chịu khó nhất mà chú từng thấy. Nếu là một người khác, chắc người ta đã bỏ đi, tan đàn sẻ nghé hết. Chứ làm gì mà được một gia đình yên vui như hiện nay”. Vậy đó, dù Mẹ rất buồn, rất khổ đau, Mẹ vẫn làm tròn bổn phận của mình, vẫn hiếu thảo với ông bà Nội, vẫn chăm sóc, nuôi dạy anh em chúng tôi khôn lớn nên người.
Vàng thật không sợ lửa, những cố gắng của Mẹ cuối cùng cũng được đền đáp. Bác tôi, cô tôi không còn xét nét, nặng nhẹ với Mẹ nữa, mà quay ra hòa thuận, vui vẻ và giúp đỡ Mẹ tôi. Bà Nội cũng yêu thương Mẹ hơn. Vì những gì Mẹ đã làm, tấm lòng hiếu thảo của Mẹ đã được thời gian chứng minh.
Nhà tôi có năm anh em. Bốn anh em trai liên tiếp rồi đến bé gái Út. Cha tôi là một người rất giỏi giang, chịu thương chịu khó. Nhưng ông chỉ giỏi giang việc đồng áng, ruộng nương… chứ chuyện nhà chuyện cửa thì ông cũng chịu nhưng là “chịu thua”. Mấy anh em trai tôi phần nào cũng giống cha tôi vậy (chắc do di truyền). Vậy là một tay Mẹ, trong lo lắng chu đáo việc nhà, ngoài đảm đang việc đồng việc ruộng.
Bà Nội tôi nay cũng đã 90 tuổi. Cách đây 2 năm, bà sơ ý bị ngã, gãy chân. Và giờ bà không thể tự đi lại được. Bà chỉ ngồi lên, nằm xuống trên giường. Lâu lâu thì cha tôi và mấy em tôi bỏ bà ngồi lên xe lăn, đẩy đi loanh quanh cho thoáng thôi. Mọi việc sinh hoạt, vệ sinh, ăn uống, tắm rửa, giặt giũ cho bà, cũng một tay Mẹ tôi làm cả.
Buổi sáng, Mẹ thường dậy rất sớm. Đà Lạt có những mùa đông lạnh ơi là lạnh. Nhưng với Mẹ, thì mùa nào cũng vậy. Mẹ dậy sớm, quét nhà dọn cửa, nấu cơm nấu nước, rửa ly rửa chén, vệ sinh cho bà, rồi lại tất tả chạy vào rẫy, tưới cà tưới bí, nhổ cỏ bỏ phân… cắt cỏ, bỏ rơm cho bò cho nghé, không biết bao nhiêu là công là việc. Mẹ chỉ về khi đèn đường đã đỏ, khi bóng tối và cái lạnh đã bao trùm trên khắp từng cành cây ngọn cỏ trên mảnh đất cao nguyên quê hương. Mẹ đi làm về thì còn phải đi chợ, nấu ăn, giặt giũ quần áo, khâu vá hay đan móc đến tận khuya mới ngủ.
Ngày Tết, nhà tôi lúc nào cũng đầy đủ các loại bánh mứt do tự tay Mẹ làm ra: Bánh tét, bánh tổ, bánh thuẫn, mứt dừa, mứt gừng, mứt đậu ngự… Những ngày ấy, vừa dọn dẹp nhà cửa, vừa làm bánh, làm mứt, vừa chuyện ngoài đồng ngoài ruộng… Mẹ bận rộn không biết bao mà kể. Đôi lúc, tôi hỏi Mẹ: “Sao Mẹ không mua đi cho khỏe, làm chi cho mệt vậy Mẹ?” Mẹ ôn tồn: “Mẹ tự tay làm cho gia đình có không khí Tết con à. Những thứ mình tự tay làm vừa đảm bảo sạch sẽ, các con ăn thì Mẹ cũng yên tâm hơn”
Mà đúng thật. Anh em bọn tôi, đứa nào mà không nhớ cái không khí tươi vui bận rộn của những ngày sắp tết. Còn riêng tôi, bánh mứt bao nhiêu nhà, bao nhiêu nơi tôi đã thưởng thức, có loại bánh loại mứt nào ngon bằng bánh mứt Mẹ tôi thức khuya dậy sớm làm đâu. Vì bánh mứt Mẹ làm ra, còn chứatrong đó tình thương của Mẹ.
Mẹ chăm lo, và hy sinh thật nhiều cho gia đình và anh em tôi. Đã bao nhiêu năm qua, Mẹ không về thăm quê Ngoại, thăm họ hàng, bà con. Đã bao nhiêu năm, Mẹ không được gặp Bà Ba, người cô duy nhất của Mẹ còn trên đời.
“Bà già rồi, cũng không biết còn sống được bao nhiêu lâu nữa. Nói Mẹ bây thu xếp ra thăm bà, thăm quê một chuyến, chứ mai mốt, lỡ… bà mất rồi…., thì về thăm ai…?” Bà Ba đã nghẹn ngào nhắn tôi như vậy khi tôi về thăm bà dịp Tết vừa rồi.
“Cô ơi, con muốn về thăm quê, thăm cô lắm. Nhưng giờ Mẹ con đi lại không được. Con đi thì không ai cơm nước, chăm sóc cho bà”. Tôi vẫn nhớ những lời Mẹ nói với bà qua điện thoại. Trước đây, có thể Nội tôi đã không tốt với Mẹ. Nhưng Mẹ vẫn nhẫn nhịn, làm tròn bổn phận dâu con của mình. Giờ Nội già yếu, đi lại không được thì Mẹ hết lòng hiếu thảo chăm sóc, phụng dưỡng. Liệu chúng tôi làm con, còn tấm gương nào về chữ Hiếu lại sáng hơn như thế?
Mẹ ơi. Con thương Mẹ lắm. Con cũng tự hào về Mẹ lắm. Con rất buồn vì bản thân con chưa làm gì được để giúp cho Mẹ, để đền đáp cho Mẹ cả. Dù chỉ là một lời cảm ơn, một lời chúc mừng hay một món quà nhân ngày 8/3 hay 20/10 cũng chưa từng có…
Nhưng con sẽ không bao giờ phụ tình thương của Mẹ, sự hy sinh của Mẹ dành cho con. Con sẽ sống thật hạnh phúc, sống thật tốt Mẹ à. Con sẽ cố gắng, cố gắng hết sức để đền đáp cho Mẹ. Con yêu Mẹ nhất trên đời!
Hi Anh Công,
Đọc xong câu chuyện này e cảm thấy quan điểm của mẹ anh rất giống mẹ em !
x^.^x
Nhịn nhiều lời nói nặng nhẹ để cho gia đình yên vui hơn !
” Đi xa mới biết đường dài đúng ko Anh Công ? ”
Em kính chúc mẹ anh cũng như gia đình anh luôn luôn khỏe và vui …
Thân Mến,
Nguyễn Xuân Bình .
Cảm ơn em nhiều nhé Bình!
BẠn Công vẫn viết văn rất trôi chảy và mạch lạc nhỉ. Ngưỡng mộ thật đấy!
Bao năm qua thói viên viết nên những suy nghĩ, tình cảm của U cũng mất dần. Bây giờ viết một đoạn văn mạch lạc cũng ko viết nên thân.
Tấm hình đầu nhìn em C giống C hồi xưa quá, cười rất tươi ^^
U cũng cầu chúc cho mẹ C luôn mạnh khỏe và hạnh phúc bên gia đình. Mẹ luôn là người có đức hi sinh cao cả nhất nên những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với mẹ 😀
Cảm ơn bạn Uyên đã để lại cảm nghĩ.
Mình thấy Uyên viết khá quá trời, vầy mà kêu “Bây giờ viết một đoạn văn mạch lạc cũng ko viết nên thân.”. Chắc tại chưa có cảm xúc thôi Uyên ạ
Cảm ơn Uyên vì lời chúc đến mẹ Công. Cảm ơn rất nhiều.
À, thằng em Công đẹp trai hơn anh nó nhiều. Nhưng vẫn giữ được cái “nụ cười rất tươi” của anh nó. Hihi..
Bài viết về Mẹ của anh cảm động quá. anh có một người Mẹ rất tuyệt vời :)! Kính chúc bác gái những điều tốt đẹp nhất! 🙂
Cảm ơn lời chúc của em rất, rất, rất nhiều…
Em chào Thầy !Đọc bài viết về mẹ của thầy em rất xúc động ,đọc bài viết của Thầy làm e nhớ nhà ,nhớ quê ,nhớ mẹ ,nhớ tới những ngày tháng vất vả mẹ nuôi 4 anh em ăn học ,e thấy hình ảnh mẹ mình trong đó ,bài viết của Thầy thật ý nghĩa ! Chúc Mẹ Thầy luôn luôn mạnh khỏe !!!….!!!
tôi rất ấn tượng vè văn phong của em. nhìn me em tôi nghĩ bà thạt nhân hậu. bà rất hạnh phúc vì con cái đã nghĩ đên mình. Mẹ kg can gì đâu em. bà chỉ cần ở con 1 tâm lòng. Chúc gđ em găp nhiều may măn