Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
– Con ơi –
trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.
– Mẹ ơi, chân thật là gì ?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
– Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Từ ấy người lớn hỏi tôi :
– Bé ơi, bé yêu ai nhất ?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời :
– Bé yêu những người chân thật.
Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không ! Những lời dặn đó
Như trang giấy trắng tuyệt vời,
In lên vết son đỏ chói.
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Những lời mẹ dặn thủa lên năm
Vẫn nguyên vẹn mầu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
– Phùng Quán –
(1957)
Đọc lại bài thơ có tuổi bằng tuổi ba mà nghe hay đến lạ. Giá trị nhân văn còn mãi đến bây giờ và mãi mãi về sau.
Nhưng lại có chuyện kể rằng cuộc đời nhà thơ Phùng Quán gặp không biết bao nhiêu trắc trở, đến nỗi mà ông phải thốt lên:
“Bởi nghe lời mẹ dặn
Nên suốt đời lao đao”
Ôi, thời thế, thế thời! Liệu ta có nên nghe lời mẹ dặn, hay phải sống sao đây?
Dù sao thì dù, bài thơ vẫn rất hay. Chép để dành vậy!
mình nghĩ tuy “suốt đời lao đao” nhưng tâm hồn sẽ luôn thanh thản vì luôn “sống thật” với chính mình.