CẢNH BÁO:
Những điều tôi viết dưới đây chỉ là những chiêm nghiệm mang tính chủ quan của bản thân, không phải là một lý thuyết kinh tế được nghiên cứu bài bản.
Bài viết tuy viết về sự thành bại, nhưng lại được viết bởi một cá nhân chưa có mặt nào là thành công cả, do đó, bạn nào có tư tưởng, tôi sẽ học từ người thành công, tôi sẽ học từ những người giàu, thì xin lỗi, đây chắc không phải là thứ bạn nên học.
Cho dù bạn đã đọc hết bài viết này và thấy tâm đắc về nó, thì việc áp dụng nó cũng vô cùng khó khăn nếu không muốn nói là không thể (áp dụng).
Vậy thì viết để làm gì? Tôi viết để lưu trữ, làm “tài liệu” để dạy con tôi. Sẵn tiện thì đăng lên đây, bạn thích thì đọc cho vui.
DẪN NHẬP:
Phàm là làm con người, dẫu là làm việc gì, người ta đều muốn mình thành công cả. Nhưng chắc vì sợ rằng ai ai cũng thành công thì còn gì là thành công nữa, nên thông thường trong một lĩnh vực (ví dụ như Start up chẳng hạn) sẽ có hơn 80% những người tham gia thất bại.
Đã có rất nhiều những nghiên cứu về thành công, về thất bại của rất nhiều những tác giả tài giỏi và nổi tiếng. Chắc chắn rằng, ý tưởng của tôi trong bài viết này không phải là cái gì mới hoàn toàn, chỉ là diễn giải theo một cách khác đặc biệt hơn mà thôi.
Đến lúc cuối cùng rồi, nhìn vào kết quả thật dễ để biết ai thành công, ai thất bại. Nhưng thực ra, nếu theo dõi trong suốt quá trình đi đến thành công của một người và quá trình đi đến thất bại của một người khác thì chúng ta thấy rằng họ không quá khác biệt. Có thể họ đã có xuất phát điểm gần giống nhau, có cách phát triển không quá khác biệt, nhưng cuối cùng một người thì thành công, kẻ kia lại thất bại. Có thể nói rằng, con đường đi đến thành công và con đường đi đến thất bại dường như chỉ cách nhau một lằn ranh, một sợi chỉ mà thôi…
Vậy lằn ranh đó là gì. Và làm sao để biết tôi đang đứng bên nào của lằn ranh thành bại. Làm sao để bước qua bên kia lằn ranh để nhập cảnh vào “vương quốc của sự thành công”?
Có lẽ, chúng ta nên bắt đầu bằng một ít toán học.
TOÁN HỌC:
Toán học cho biết rằng hàm số mũ (y = a ^ x; với a gọi là cơ số) là hàm số tạo ra sự phân ly rất lớn ở cơ số sấp sỉ 1.
- Nếu cơ số là 1, thì dù có đem đi “mũ” bao nhiêu lần đi nữa, kết quả cuối cùng vẫn chỉ là một con số 1 không hơn, không kém.
- Nhưng nếu cơ số là một con số lớn hơn 1, dù là lớn hơn rất rất ít, nhưng nếu đem đi “mũ” với một số mũ đủ lớn, thì sẽ tạo ra một con số rất lớn (tiến về dương vô cùng).
- Còn nếu cơ số là một con số nhỏ hơn 1, dù là nhỏ hơn 1 rất rất ít, nhưng nếu đem đi “mũ” với một số mũ đủ lớn, kết quả sẽ tiệm cận về số 0 tròn trỉnh.
Theo tôi, hàm số mũ chính là “hàm số” cho sự thành bại trong cuộc sống. Trong đó:
- y là giá trị của sự thành bại (y càng lớn thì càng thành công, y càng gần về 0 thì càng thất bại, y bằng 1 là bảo toàn).
- a (cơ số) chính là hiệu quả công việc hàng ngày, một yếu tố quyết định, được xác định bởi tính tự kỷ luật và quyết tâm của mọi người.
- x (số mũ) là thời gian. Yếu tố được quyết định bởi tính kiên nhẫn.
Mọi thứ có thể xuất phát điểm rất gần nhau, chỉ cần khác nhau 2 thứ rất nhỏ và rất đơn giản (a và x) thì kết quả (y) đã trở nên hoàn toàn khác biệt. Bây giờ tôi sẽ nói rõ hơn về các thành phần trong hàm số:
CHI TIẾT:
1. Cơ số a trong hàm thành bại: hiệu quả công việc mỗi ngày, và yếu tố quyết định giá trị của a: tính tự kỷ luật.
Cơ số a chính là thành phần quan trọng nhất quy định giá trị của hàm số.
- Nếu a = 1 thì dù thời gian x có là bao nhiêu thì y vẫn giữ nguyên không đổi.
- Nếu a nhỏ hơn 1, thời gian càng dài, kết quả càng thảm hại (càng về 0);
- Còn nếu a lớn hơn 1, thời gian càng lớn thì kết quả càng lớn theo.
Thực ra, giữ cho a =1 là chuyện rất khó vì không có gì là bảo toàn và cân bằng tuyệt đối, nên ta chỉ nói đến 2 trường hợp còn lại. Khi bạn không phát triển thì là bạn thụt lùi rồi, chứ không thể nào giữ nguyên tại chỗ được đâu.
Vậy cái gì là tượng trưng cho a, và làm sao để giữ a luôn lớn hơn 1?
Cái tượng trưng cho a là hiệu quả công việc mỗi ngày, và yếu tố để giữ a luôn lớn hơn hoặc bằng 1 chính là quyết tâm và tính tự kỷ luật.
Bạn thấy đấy, thành công là cả một quá trình dài, không thể và không bao giờ là trong một khoảng thời gian ngắn được. Và yếu tố quan trọng nhất chính là phải giữ nguyên quyết tâm, giữ nguyên kỷ luật để đảm bảo hiệu quả công việc mỗi ngày: ngày hôm nay tôi phải làm tốt hơn, (hoặc tệ lắm là phải bằng) ngày hôm qua (hệ số hiệu quả công việc >=1). Tôi phải làm đủ chừng đó việc hoặc làm thêm một vài việc nữa để có thể thành công trong tương lai.
Vâng, xin nhắc lại: Ngày hôm nay tôi phải cố gắng làm tốt hơn, hoặc tệ lắm là bằng ngày hôm qua chính là “bí kiếp” sống còn trong sự thành công.
Thời gian ban đầu, dù bạn có đi đúng hướng đi chăng nữa, thì kết quả vẫn không tăng trưởng đáng kể (đây chính là bản chất của hàm số mũ, sẽ nói rõ ở phần sau), điều đó khiến bạn “xao lòng” và bạn dần dần từ bỏ quyết tâm của mình. Bạn tự “du di” cho bản thân mình. Thay vì phải làm chừng đó việc, bạn bớt chúng đi một chút vì bạn nghĩ bớt đi một chút thì đâu có sao. Nhưng mỗi ngày bạn bớt xuống một chút rồi lại một chút nữa, một chút nữa cuối cùng, kết quả sẽ về 0. Cái bạn bớt đi, dù chỉ một chút đó, chính là a. Khi bạn bớt chúng đi, thì a sẽ nhỏ hơn 1, và càng về sau (x càng lớn) thì kết quả càng về 0.
Ai cũng biết rằng muốn học giỏi tiếng Anh thì mỗi ngày bạn cần phải học bao nhiêu từ mới đó, đọc bao nhiêu câu đó, nghe bao nhiêu bài hội thoại đó. Ban đầu, khi mới nghe một câu chuyện thành công của một ai đó, mới được truyền cảm hứng từ một người thầy, một người diễn giả nào đó chẳng hạn, thì có thể ai cũng có quyết tâm giống nhau, ai cũng làm giống nhau. Nhưng thường thì kết quả không thấy ngay được. Bạn chăm chỉ học 1 tháng mà kết quả cũng chẳng thấy đâu, nên bắt đầu có sự phân hóa.
- Một người tiếp tục giữ nguyên như cũ, mỗi ngày học chừng đó từ, chừng đó câu. Hoặc thậm chí cố thêm lên chút nữa, dù kết quả cũng chưa thấy đâu.
- Một người bắt đầu nản, và tự du di cho mình bớt đi một chút. Thầy bắt phải học 30 từ mỗi ngày, nhưng hôm nay do mình bận quá, thôi thì mình học 29 từ thôi. Bớt 1 từ cũng không đáng kể gì. Rồi hôm sau nữa do mình mệt quá, thôi thì bớt 1 từ nữa. Có một từ, đâu có sao…. Rồi từ từ… Ai cũng biết kết quả rồi đấy.
Ai cũng biết rõ là tập thể dục thể thao thì tốt cho sức khỏe, vóc dáng và tâm trạng của mình. Ai cũng biết nên tập thể dục thể thao đều đặn ngày qua ngày là tốt nhất. Nhưng không phải ai cũng đủ quyết tâm và sự tự kỷ luật để duy trì điều đó mỗi ngày. Ban đầu, mới mua đôi giày mới chẳng hạn, ai cũng hăm hở cả. Nhưng chạy được 1 ngày, 2 ngày thì nảy sinh ra đủ thứ nguyên do (mà chủ yếu do mình tự nghĩ ra) để giảm bớt, hoặc bỏ tập. Nào là hôm nay trời lạnh, hôm nay trời mưa, hôm nay tôi có việc quan trọng, hôm nay mình mệt… Rồi mỗi ngày giảm xuống một ít, cho tới khi… tất cả chỉ còn là kỷ niệm mà thôi.
Thực ra, tất cả mọi thứ trên đời này đều vậy, chẳng có phép màu nào tự dưng bùm một cái là mọi chuyện khác đi. Cái gì cũng thay đổi từ từ. Tốt lên cũng từ từ mà xấu đi cũng từ từ. Mỗi ngày thêm vào 1 chút, hoặc mỗi ngày bớt đi một chút, đúng là chẳng thấy khác biệt gì, nhưng kết quả cuối cùng thì thật là khác biệt.
Ai cũng hiểu rằng muốn học giỏi phải đọc sách, phải làm bài tập, phải nghiên cứu… Nhưng sự khác biệt giữa học sinh giỏi và không giỏi là học sinh không giỏi nghĩ: Hôm nay đọc bớt xuống một ít cũng đâu có sao, bài tập làm ít xuống một chút hoặc để ngày mai làm cũng được mà, đâu có sao…. cho đến khi có sao thật thì thôi.
Ai cũng hiểu rằng khi chưa có vốn để làm ăn thì ta cần tiết kiệm, mỗi ngày một ít. Nhưng cái khó là khi ta đã tiết kiệm được một ít rồi, thì lại có những thứ khác cám dỗ ta. Nào quần áo đẹp, nào xe sang nào ăn ngon uống bổ, nào điện thoại xịn máy tính mới… khiến ta rất dễ dừng việc tiết kiệm lại. Tiết kiệm ít lại một chút, thậm chí là lấy bớt số tiền đã tiết kiệm từ trước đó ra tiêu sài vì nghĩ rằng“chỉ một ít cũng có sao đâu”… Cuối cùng mèo vẫn hoàn mèo, vẫn chẳng thể có vốn mà làm ăn như dự định ban đầu.
Tính tự ký luật nó khó ở chỗ là dám “nghiêm trị” mình, không cho “du di” bớt đi một chút dù bớt một chút có sao đâu? Chẳng ai vô kỷ luật đến nổi làm cái đùng, hôm nay đang làm vậy, mai bỏ luôn (làm vậy thì sốc lắm). Nhưng cái kiểu hôm nay thôi thì mình bớt đi một tý, cũng đâu có sao, thì hình như ai cũng có thể phạm phải. Thực ra thì kết quả của 2 cách trên (bỏ cái đùng và bớt đi một tý cũng có sao đâu) là giống nhau mà thôi.
Nên người nào nhìn ra được: “bớt đi một tý cũng đâu có sao” cũng chính là sự từ bỏ, và đủ quyết tâm và kỷ luật để ngăn mình trước cám dỗ nhẹ nhàng và êm ái đó, thì người ta sẽ thành công. Cái này cực khó, biết cũng chưa chắc làm được, nên tỷ lệ thành công trong bất cứ lĩnh vực nào đó cũng chỉ là 20% mà thôi.
Nói đến sự cám dỗ, tôi nghĩ trong mỗi con người chúng ta đều có một con quỷ tham lam, độc ác, lười biếng, thích an nhàn… và cuộc sống chính là sự chiến đấu của ta với chính ta mà thôi mà thôi. Và chiến thắng lớn nhất chính là chiến thắng chính mình.
Chẳng ai có thể bắt bạn làm cái này cái kia cả, không phải là cha mẹ, thầy cô, vợ chồng hay bạn bè giúp bạn giữ được kỷ luật… Mà chính là tự bản thân bạn mà thôi. Không du di, nuông chiều mình trong từng việc nhỏ, rất khó làm, nhưng làm được thì sẽ thành công.
2. Số mũ x trong hàm cuộc sống: thời gian, và yêu tố quyết định giá trị của x: tính kiên nhẫn.
Thật ra, nếu bạn đã đi đúng hướng rồi (cơ số a > 1) thì vấn đề quan trọng tiếp theo là bạn duy trì được việc đó trong bao nhiêu lâu? Một vấn đề rất lớn đối với hàm số mũ là tỷ lệ tăng trưởng trong thời gian ban đầu là rất thấp, khiến nhiều người bỏ giữa chừng vì tăng thấp quả chả bỏ công, bất chấp những kết quả tốt đẹp có thể có về sau.
Bạn thấy đó, với giả thuyết ban đầu là a = 1.02 và a =0.98 chỉ chênh nhau 0.04 (tức 4%) nhưng một giá trị là cao hơn 1, cái còn lại là thấp hơn 1. Chỉ sau mũ lần thứ 24, một cái đã tăng lên thành 1.6 còn cái kia đã giảm xuống chỉ còn 0.6 (chênh lệch 2.6 lần). Nếu số mũ càng lớn thì sự chênh lệch giữa 2 kết quả còn lớn hơn nhiều nữa. Đến lần thứ 124 thì một cái đã là 11.6526 trong khi cái còn lại chỉ còn 0.0817 mà thôi (coi như chẳng còn lại gì rồi). Do đó việc duy trì một cơ số a > 1 rất là quyết định.
Nhưng vấn đề của con người chúng ta chính là tốc độ tăng trưởng. Với cơ số a là 1.02 mà trong 20 lần mũ đầu tiên, sự tăng trưởng (delta tăng) cũng chỉ ở mức dưới 3% cho mỗi lần mũ. Tốc độ tăng trưởng quá chậm làm cho người ta dễ nản và bỏ cuộc vì thấy chả bỏ công sức. Và khi người ta bỏ cuộc thì toàn bộ những nỗ lực trước đó của họ coi như thành công cốc. Khi họ từ bỏ, cũng là họ từ bỏ những trái ngọt về sau. Như bạn thấy đó, từ số mũ 123 lên 124 thì giá trị đã tăng lên tới 22.85% (cao hơn rất nhiều con số 2 hay 3% cho những thời gian đầu).
Có một câu hỏi rằng, nếu có một công việc rất khó khăn, nhưng lợi nhuận lại tăng rất nhanh, mỗi một ngày lại tăng lên gấp đôi. Nếu bạn có thể làm công việc đó trong 30 ngày, bạn sẽ có được lợi nhuận là 1 triệu đô. Câu hỏi đặt ra vậy bạn phải làm đến ngày thứ bao nhiêu để có được 500 ngàn đô?
Câu trả lời không phải là ngày thứ 15 mà chính là ngày thứ 29. Nếu làm hết ngày thứ 29, bạn sẽ có 500.000 đô, ngày thứ 28 bạn có 250.000 đô, ngày thứ 27 bạn có 125.000 đô, ngày thứ 26 bạn có 62.500 đô… Còn ngày thứ 15 ư? Lúc đó bạn chỉ có 30.518 đô. Vâng, chính xác là ba mươi phẩy năm đô, bạn không đọc nhầm đâu. Là như vậy đó, quả ngon chỉ dành cho người biết kiên nhẫn.
Chỉ là một câu chuyện. Tỷ suất lợi nhuận tăng trưởng trong câu chuyện này là 200% trong 1 ngày thì hơi quá phi lý, chúng ta hãy thử với một tỷ suất thực tế hơn 20%/năm.Trong kinh doanh, có một lý thuyết mà người ta coi là kỳ quan thứ 8 của thế giới chính là “tỷ suất lãi kép”. Một tỷ suất lợi nhuận chỉ vài phần trăm một tháng, vẫn có thể mang lại một khoản lợi nhuận lớn nhờ tiền đẻ ra tiền, lãi đẻ ra lãi trong một khoảng thời gian đủ dài.
Giả sử bạn đầu tư 1.000 đô vào một ngành nào đó có tỷ suất lợi nhuận là 20%/năm. Và bạn dùng tiền lãi của những năm trước tiếp tục cho vay. Vậy số tiền lãi và gốc của bạn theo từng năm sẽ như sau:
Như vậy, nếu bạn bỏ cuộc ở năm thứ 10, bạn mới rút thì số tiền đã tăng lên là 6.191 đô. Nhưng cũng thêm một khoảng thời gian như vậy nữa, sau 20 năm bạn mới rút, thì số tiền lúc đó đã là 38.337 đô rồi. Thời gian chỉ tăng gấp 2 còn số tiền thì tăng gấp 6 lần.
Như vậy, thời gian càng dài, số tiền sẽ càng nhiều. Chỉ tiếc rằng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để vượt qua những con số chậm chạp của những thời gian đầu tiên.
KẾT LUẬN:
Còn rất nhiều yếu tố để tạo ra sự thành công hay thất bị trong một lĩnh vực nào đó. Ở trong bài viết này, tôi sẽ nói về 2 đức tính quan trọng nhất: TỰ KỶ LUẬT và KIÊN NHẪN.
Một thái độ du di, bớt đi một chút cũng không sao chính là tiền đề êm ái và dễ dàng nhất để dẫn đến sự thất bại. Nó rất nhẹ nhàng, khó thấy, từ từ từ từ… cho đến lúc bạn chả còn gì cả.
Còn với một thái độ kiên quyết: cố lên 1 chút, cố gắng thêm một chút nữa, làm thêm 1 chút nữa… ngày qua ngày thì chính là tiền đề để bạn thành công. Khi đó thì vấn đề quan trọng còn lại là bạn có bao nhiêu nhẫn nại, có bao nhiêu kiên nhẫn để chờ đợi kết quả đến mà thôi. Bởi vì, trong khoảng thời gian đầu, sự tăng trưởng của kết quả rất chậm chạp.
Thậm chí nếu khi bạn cố gắng, nỗ lực làm thêm 1 ít nữa thì kết quả tăng còn chậm hơn là sự giảm sút của kết quả khi bạn lười biếng “làm bớt đi 1 chút cũng không sao”. Ấy vậy mà nhiều người đang chết dần chết mòn trong sự giảm sút còn không nhìn thấy nguy cơ, vẫn tiếp tục “bớt đi một chút”, thì huống hồ là bạn.
Vậy đó, chỉ đơn giản là TỰ KỶ LUẬT và KIÊN NHẪN mà không dễ làm chút nào đâu bạn. Giờ bạn biết nó quan trọng thế nào rồi đó, liệu có cải thiện được không?
TÁI BÚT:
À mà bài nói về thành công hay thất bại mà tôi chưa định nghĩa thế nào là thành công nhỉ. Theo tôi, suy cho cùng, thành công của mỗi người chính là vượt qua bản thân mình, mỗi ngày TỐT HƠN LÊN 1 CHÚT, HẠNH PHÚC HƠN LÊN 1 CHÚT so với hôm qua.
Theo quy luật của tự nhiên, thời gian trôi qua, nhan sắc, sức khỏe và có thể cả tiền bạc nữa có thể sẽ không thể nào tốt hơn lên 1 chút được. Chỉ còn lại là TINH THẦN, HẠNH PHÚC, TRẢI NGHIỆM là có thể tốt hơn lên mỗi ngày mà thôi. Vậy thì, vượt lên tất cả, thành công trong cuộc sống là làm sao giữ cho tinh thần, cho trải nghiệm, cho hạnh phúc của tự thân mình tốt hơn lên mỗi ngày mà thôi.
Anh chiêm nghiệm, và viết ra, chia sẻ thật đáng quý. Cảm ơn anh!
Cái gì cũng cần phải dày công khổ luyện mới được. Không thể lười nếu muốn có thành tựu