Chúng ta vừa thảo luận về bước 2 của quá trình làm giàu, trong bài viết này, tôi sẽ trình bày về bước 3: Đơn giản hóa cuộc sống, một yếu tố nghe chừng thì đơn giản nhưng sức mạnh không hề giản đơn.
Tìm hiểu cách kiếm tiền và tiêu tiền của những người giàu có quả thật có nhiều điều thú vị.
Tôi vừa đọc báo, một bài phỏng vấn một người được coi là giàu có nhất Việt Nam, ông Đoàn Nguyên Đức. Bài phỏng vấn khá dài, tôi chỉ nhớ vài điểm rất ấn tượng. Đó là ông không bao giờ coi trọng việc ăn uống, hưởng thụ, nên ông đi ra nông trường thì ăn chung với anh chị em công nhân, xuống sân bóng thì ăn chung với anh em cầu thủ. Ông còn khẳng định rằng dù Hoàng Anh Gia Lai công ty ông có rất nhiều bất động sản, ông không hề có một cái nhà riêng nào ở Tp Hồ Chí Minh do chưa có nhu cầu.
Ông khẳng định mua máy bay là để làm phương tiện làm ăn chứ không phải là để khoe khoang hay hưởng thụ, do đó ổng phủ nhận việc sẽ mua du thuyền. Ông cũng thật thà mà thừa nhận rằng hai mươi năm qua, ông chưa từng cùng đi du lịch với gia đình một chuyến nào.
Tôi mở một trang khác, và tìm hiểu về thần tượng của tôi, ông hoàng đầu tư, Warren Buffet. Có một bài viết về 40 nguyên tắc nhằm tiết kiệm tiền của Warren Buffet. Người ta nói rằng không cần đầu tư, chỉ cần biết tiết kiệm như Warren cũng đủ giàu. Ông là người nhận được chỉ trích rất nhiều vì cái sự tiêu tiền quá mức tiết kiệm của mình. Người ta thêm vào nhiều tình tiết có vẻ hơi quá để chế giễu cái sự kiếm tiền bạc tỷ, tiêu tiền cắc của ông. Nhưng dù thế, ai cũng biết, ông là một ngưởi rất tiết kiệm.
Nhìn lại những người quanh mình, tôi thấy thầy tôi, thầy Duy, con người có khả năng thu về hàng trăm triệu đồng một tháng nhưng lại đang sử dụng một chiếc Nokia “đập đá” 1280 và ăn mặc, đi xe hết sức bình dân, giản dị. Trong khi bạn tôi, những người có thu nhập thấp hơn thầy nhiều lần thì đi xe Airblade, mặc đồ hàng hiệu và dùng Iphone 4S.
Tôi thực sự không lấy làm ngạc nhiên hay thắc mắc vì điều đó. Vì tôi biết, tất cả những người giàu có do tự họ khởi nghiệp, đều hết sức yêu quý đồng tiền của mình. Và họ tiêu sài, hết sức là hợp lý. Họ đơn giản hóa cuộc sống, cắt giảm các chi tiêu không hợp lý để tích lũy và đầu tư sinh lợi. Họ không tiêu sài vì những sở thích và ham muốn nhất thời của mình. Những ham muốn nhanh chóng bị lãng quên hay làm người ta rơi vào trạng thái hối hận.
Người nghèo hay công kích người giàu là keo kiệt. Thực tế, ai keo kiệt hơn ai?
Nếu như Warren Buffet bị người ta công kích vì tính tiêu tiền cắc của mình, thì ông sẵn sàng bỏ một số tiền hàng tỷ đô la để làm từ thiện. Nếu như Bill Gates dành gần như toàn bộ thời gian và cả tiền bạc của mình để cứu giúp các bệnh nhân nghèo trên toàn thế giới. Theo ước tính, ông có thể đã giúp đỡ được cho khoảng 68 triệu người có cuộc sống tốt hơn. Cũng như thầy Duy tôi, thầy cũng sẵn sàng tài trợ cho quỹ phát triển tài năng ảo thuật Việt Nam, và đóng góp cho nhiều nhiều quỹ từ thiện khác với số tiền khổng lồ… và rất rất nhiều người giàu “keo kiệt” khác sẵn sàng chi những khoản tiền khổng lồ để giúp người khác thì…
Người nghèo vẫn tự cho mình là hào phóng khi mua cho mình một món đồ mới sang trọng, ăn ngon, mặc đẹp, mua sắm thỏa sức… nhưng không khi nào, hay nói đúng hơn là không thể nào giúp được cho người khác, dù là họ hàng, anh em thậm chí là cha mẹ mình khi cần, vì “lực bất tòng tâm”. Vậy ai hào phóng hơn ai?
Như vậy, người giàu không phải là keo kiệt, mà họ chỉ tiêu tiền một cách hợp lý. Vì họ biết rằng, mỗi món tiền mà họ tiêu hôm nay, dù chỉ là một đồng thôi, cũng là một hạt giống mà nếu như hôm nay, nó không bị mất đi, lại được đem đi gieo trồng đúng cách (dựa vào tích lũy và đầu tư) thì nó sẽ sinh sôi nảy nở ra cả một cánh đồng. Khi đó, người ta có thể dùng những đồng tiền “con cháu” đó, để làm những việc lớn hơn…
Người ta suy nghĩ hay đắn đo không phải là vì đồng tiền của ngày hôm nay, mà người ta đắn đo vì cả một “kho” tiền của ngày mai nếu như đồng tiền đó được đầu tư đúng cách. Trước một “kho” tiền như thế, thể nào mà họ không đắn đo cho được.
Những người giàu có thường bị những người khác công kích dèm pha vì tính tiết kiệm của mình. Người nghèo luôn quan niệm rằng nếu như không tiêu tiền, không để có một cuộc sống xa hoa, nhung lụa thì kiếm tiền để làm gì? Chết cũng có mang theo tiền đi theo được đâu mà làm cho nhiều, mà tiết kiệm. Nên họ cứ mặc sức mà tiêu. Mà thực ra họ chẳng bao giờ có nhiều tiền để mà tiêu. Và họ luôn phải lo nghĩ về chuyện tiền bạc. Người giàu tiết kiệm ngày nay để thoải mái ngày sau. Và khi họ muốn tiêu tiền, họ cũng có nhiều tiền hơn để mà tiêu.
Thực tế, khi xem xét một nhu cầu, bất cứ là một nhu cầu mua sắm hay chi tiêu, hay sử dụng dịch vụ… của một người nào đó, luôn có thể chia ra thành hai loại.
Loại thứ nhất là nhu cầu thật sự, tức là những nhu cầu có thật. Nó xuất phát từ những nhu cầu thiết yếu của con người như ăn, mặc, ở, đi lại, nhu cầu được tự do, được yêu thương… Loại thứ hai là loại nhu cầu ảo, loại nhu cầu nhất thời, không cố thật. Đó là những nhu cầu do tính sĩ diện mà những ham muốn nông nổi, nhất thời mang lại. Người ta chỉ cảm thấy thỏa mãn, vui vẻ nhất thời, nhưng phần nhiều sau đó họ sẽ cảm thấy ân hận hay hổi tiếc.
Ví dụ như bạn cần một chiếc xe máy để đi làm. Đó là một nhu cầu có thật nếu như khi bạn có xe máy, bạn có thể giúp công việc của bạn tốt hơn lên nhờ tính cơ động cao, hoặc đến đúng giờ, hoặc đi xa, hoặc yêu cầu công việc bắt buộc phải có xe…
Nhưng bạn mua một chiếc xe như thế nào? Nếu như chỉ có nhu cầu đi lại và bạn muốn mua một chiếc xe thật sang trọng, đắt tiền… SH chẳng hạn, thì đó là một nhu cầu ảo. Vì bạn mua chiếc SH là vì nhu cầu sĩ diện, thể hiện và khoe khoang hơn là nhu cầu đi lại (nếu bạn đã có nhiều tiền và thể hiện, khoe khoang là một nhu cầu thực sự cần thiết của bạn thì lúc đó lại khác). Và nhu cầu ảo này sẽ mang kèm theo nó rất nhiều chi phí phát sinh như tiền mua xe tăng cao, tiền xăng sẽ nhiều lên, chi phí bảo trì, bảo dưỡng và để “xứng đáng” với chiếc xe thì bạn cũng phải tiêu tiền “tầm cỡ” hơn. Và với bao nhiêu những chi phí phát sinh đó, nếu nó được tiết kiệm và đầu tư, có lẽ, bạn đã có một khoàn kha khá trong tương lai.
Tôi rất tâm đắc với một lời khuyên của Warren Buffet là khi đi mua hàng, là nếu bạn thích một món hàng nào đó, hãy xem thật kỹ, nhưng đừng mua nó ngay. Người bán hàng sẽ có những “chiêu thức” để kích thích bạn mua ngay đấy. Nhưng hãy khoan đã! Khi về nhà, bạn hãy suy nghĩ kỹ lại. Nếu bạn thấy nó thực sự cần thiết, thì ngày mai bạn hãy quay lại và mua nó. Yên tâm đi, nó vẫn còn ở đó thôi. Còn không, hãy quên nó đi. Đó chính là cách tìm ra nhu cầu thực của mình mà không để cảm xúc nhất thời chi phối.
Câu hỏi được đặt ngược ra là tại sao rất nhiều người giàu vẫn mua sắm và chi tiêu cực kỳ hoang phí? Những chiếc xe hơi sang trọng, những chiếc du thuyền bậc nhất, những chiếc máy bay cá nhân và những siêu điện thoại đều đang thuộc sở hữu của người giàu.
Thứ nhất, người giàu cũng có hai dạng, những người làm giàu bằng mồ hôi, công sức và sự khát khao cháy bỏng của mình và những người không phải như vậy. Dạng thứ nhất là những người thường đã phải chịu rất nhiều khó khăn, gian khổ và hy sinh để làm giàu và duy trì sự giàu có của mình, đó thường là những người tự tay khởi nghiệp làm giàu. Dạng thứ hai thì thường là nhờ một may mắn nào đó, như sự thừa kế, sự nổi tiếng nhanh chóng (nhất là trong thể thao, điện ảnh, âm nhạc…) họ ít gặp phải những khó khăn, gian khổ để làm giàu.
Trong hai dạng này, người giàu dạng thứ 2 thường tiêu tiền rất hoang phí vào những tiện nghi sang trọng và đình đám, hào nhoáng… Đó là những món trang sức đắt tiền, những siêu xe, siêu điện thoại… Thường thì chỉ sau một thời gian ngắn, những người giàu theo dạng này sẽ trở nên nghèo đi. Vì tiền bạc thì ngày càng ít đi còn nhưng thói quen chi tiêu hoang phí thì đã ăn sâu vào con người họ. Nên họ có một cuộc sống rất vất vả.
Bao nhiêu những ngôi sao điện ảnh, ngôi sao ca nhạc, ngôi sao thể thao, những “người thừa tự bằng vàng”, dễ dàng kiếm được hàng triệu đô la rồi rất mau sau đó, họ rơi vào cảnh túng thiếu, khó khăn, thậm chí là tù tội, tai tiếng… Rất nhiều những thứ xa hoa, phù phiếm trên thế giới đang thuộc sở hữu của những người giàu dạng này.
Nhưng có thể bạn cũng đã từng thấy những người giàu bằng chính mồ hôi, nước mắt của mình có những món hàng đắt tiền. Thông thường, trong những trường hợp này, những món hàng đó chính là một khoản đầu tư mang lại lợi nhuận hơn là một món tiêu sản. Ví dụ bầu Đức mua máy bay, vì ông cần nhanh chóng đến những nơi cần đến, và nó mang lại cho ông một chút “danh tiếng” có thể có lợi trong đàm phán với khách hàng, hay đem lại cho đối tác một sự tin tưởng chẳng hạn, nó là một khoản đầu tư có lợi…
Cũng có đôi lúc, những món hàng đó hoàn toàn là tiêu sản chứ không phải là tài sản gì cả, không mang lại một khoản lợi nào cả, mà những người giàu dạng một vẫn mua vì họ thích. Tuy nhiên, việc mua món hàng này luôn phải tuân thủ một nguyên tắc. Đó là: phải có những khoản thu nhập thụ động để “nuôi” những món tiêu sản này.
Người nghèo mua một chiếc xe, họ vay mượn để mua nó. Sau đó họ cày ra trả nợ và kiếm tiền đổ xăng, cũng như kiếm tiền bảo trì bảo dưỡng, tiền kiểm tra định kỳ, đăng kiểm… và sắm sửa “đồ chơi” cũng chúng. Họ bị vắt kiệt sức mình vì mua chiếc xe đó. Đó thực sự là một mối lo nghĩ đối với họ (dù họ chả bao giờ nhận ra việc đó).
Còn người giàu, người ta có thể mua một chiếc xe thậm chí rất sang trọng, đắt tiền, xa hoa… nhưng họ phải có trước một khoản thu nhập thụ động (ví dụ như tiền lãi đầu tư, tiền cho thuê bất động sản…) để bù đắp các chi phí do việc mua sắm và sử dụng chiếc xe gây ra. Do đó, trong khi người nghèo càng ngày càng nghèo đi vì việc chiếc xe thì người giàu cứ mặc sức mà sử dụng nó thôi.
Nếu như những chi tiêu mang tính nông nổi nhất thời, nhưng lại làm giảm tự do và hạnh phúc của bạn trong tương lai, và có thể khiến bạn phải hối hận, nuối tiếc thì điều đó có đáng hay không? Và khi tiêu một đồng, bạn hãy đừng nhìn nó với chỉ là một đồng của ngày hôm nay mà hãy nhìn nó là một hạt giống có thể cho ra một cánh đồng của ngày mai.
Cứ một đồng bạn tiêu phí ngày hôm nay thì sự tự do trong tương lai của bạn sẽ giảm đi một phần đấy. Hãy cân nhắc bạn nhé.
Tôi vừa trình bày với bạn bước thứ ba của quá trình làm giàu. Thực ra, tôi viết bài viết này, để tự răn dạy mình là chính. Trước đây tôi là người tiêu tiền không có nghĩ. Tôi không hẳn là tiêu pha vào những việc toàn vô ích. Tôi cũng thường xuyên đầu tư vào bản thân, đi học, đầu tư vào sách vở và làm từ thiện. Nhưng tôi có tật xấu là làm ra nhiêu, tiêu hết bao nhiêu. Điện thoại, laptop, máy tính bảng, và mấy món đồ công nghệ… luôn luôn nằm trong tầm ngắm của tôi. Và nếu mình có tiền thì, chẳng chóng thì chày, nó cũng hết.
Chả thế nên đến bây giờ tôi cũng chả có thứ gì trong tay. Ngồi ngẫm lại thấy buồn quá thể. Buồn không phải vì tôi đi so sánh với bạn bè hay anh chị em đồng nghiệp. Buồn vì tôi đã tiêu tiền không suy nghĩ, đến giờ, nếu có muốn làm gì giúp ba mẹ tôi còn khó, huống hồ gì nếu cần vốn liếng làm ăn hay đầu tư.
Nhưng sau khi viết bài này rồi, thì ít ra, tôi tiêu tiền cũng sẽ phải suy nghĩ và cân nhắc hơn. Tôi hi vọng thế. À không! Tôi quyết tâm, phải làm được như thế! Hihi…
Ghi chú: Các tài liệu, nhân vật đã đề cập trong bài viết:
Đoàn Nguyên Đức: 20 năm chưa được đi du lịch. Báo VnExpress ngày 27/09/2011
40 cách để tiết kiệm như Warren Buffett . Báo VnExpress ngày 08/01/2012
Thầy Nguyễn Thái Duy, giám đốc trường học làm chủ BeTraining.
Ban viet rat hay!
Hi Công,
Công viết bài hay lắm, khả năng phân tích và chứng minh cũng như kết nối các sự kiện rất hợp lý và logic làm cho người đọc nhận ra các giá trị hay và học được những bài học giá trị.
Công lên lịch và thương xuyên viết chia sẻ cho mọi người nhé, cộng đồng doanh nhân Be Training rất vui khi có Công chia sẻ. Và vui hơn khi Công thương xuyên có những bài viết hay.
Chúc Công luôn năng lượng và thành công trong cuộc sống.
Cheers
Nguyễn Thái Duy
Công thân mến!
Rất nhiều, rất nhiều “Người” đọc, nghe, thấy, & trải nghiệm như Công. Nhưng rất ít & rất ít “Người” viết nên được cảm xúc như vậy cho mình & cho đời.
Chúc Công mãi giữ được lửa lòng cho dòng chảy của cảm xúc tuôn trào nhiều hơn nhé!
Thân!
Vũ Việt Dũng
Hi anh Công,
Đọc bài viết của anh Cộng em nhớ đến bài học của của Thầy, trong bài học của Thầy Duy về kiếm tiền có mục thứ 5 “Thu nhập giản đơn”. Hơn 5 năm em đi làm công kiếm tiền và tiêu xài, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc tiết kiệm mặc dù không quá phung phí hay tiêu xài quá mức đến nợ nần. Nhưng sau ngần ấy năm nhìn lại trong túi vẫn trống rỗng. Và sau khi em học được bài học tiết kiệm hay đơn giản hóa cuộc sống đi thì đáng kinh ngạc thay, không biết tiền ở đâu mà mình có dư ra như vậy.
Tóm gọn 1 câu : điều này thất là tuyệt với, cám ơn anh công nhiều.
Nguyen Nhut Truong
Quả thật là không hề đơn giản, thậm chí chỉ để phân biệt được khoản chi tiêu nào là nhu cầu thực sự hay ảo cũng thấy nhức đầu rồi. Thầy ơi, thế 1 tuần đi uống bia với bạn bè vài lần có xem là xa hoa, lãng phí không? Theo em nghĩ thì những “khoản” này rất khó tiết kiệm vì nhu cầu về tinh thần cũng rất quan trọng. Cám ơn bài viết của thầy !
Cũng tùy mỗi người thôi em.
Nếu em đi uống bia về tinh thần vui vẻ sảng khoái, bạn bè thân thiết hơn hoặc cóa những mối quan hệ mới thì dĩ nhiên là tốt rồi.
Còn như uống bia cho say xỉn, vừa hại sức khỏe vừa dễ bốc đồng gây chuyện với bạn bè chẳng hạn thilaf không tốt rồi!
bài viết của thầy rất hay và ý nghĩa sâu sắc, quyết tâm thịnh vượng tài chính nha thầy
toi copy bai này gơi cho con tôi mới được . xin phép tác giả nhe.
don gian hoa cuoc song
Bạn có thể giải thích rõ hơn ý bạn được không?
Bài viết của a thật ý nghĩa, đọc được nó e nhận ra được nhiều điều, cảm ơn a & cảm ơn bài viết của a.
Chúc anh thành công!
Mọi người đọc thêm về cách làm giàu đơn giản nhất cho tất cả mọi người xem có ích không
http://www.dinhtrongtrang.com/2013/12/cach-lam-giau-on-gian-nhat-cho-tat-ca.html
Bài viết thật bổ ích .Là bài học cho nhiều người kiếm được nhiều tiền nhưng lối sống không chuẩn nên nhiều khi” cháy túi”