Vương triều nhà Nguyễn tồn tại trong lịch sử nước ta trog 143 năm (1802 – 1945) với 13 vua. Tuy nhiên, vương triều này chỉ có 2 hoàng hậu được chính phong khi còn đang sống đó là Thừa Thiên Cao hoàng hậu vợ vua Gia Long và Nam Phương hoàng hậu vợ vua Bảo Đại. Các triều vua khác đều không phong hoàng hậu cho vợ các vua mà chỉ “truy phong” sau khi mất.
Cũng không rõ vì sao mà nhà Nguyễn bắt đầu từ triều vua Minh Mạng đến triều vua Khải Định lại không phong hoàng hậu. Chức cao nhất trong hoàng cung khi đó chỉ là Hoàng Quí Phi mà thôi.
Nhớ lần tôi ngồi nói chuyện trên trời dưới đất với một người bác, được bác kể nghe câu chuyện mang màu sắc “truyền thuyết” về chuyện này. Nay tôi kể lại cho bạn nghe.
Chuyện kể rằng vào cuối thời vua Gia Long, triều đình có thỉnh mời được một vị cao nhân vào cung để tổ chức lễ cầu an cho thiên hạ và hoàng tộc. Vị cao nhân này vốn rất giỏi về các khoa bói toán, đặc biệt là khả năng tiên đoán vận mệnh. Vua và hoàng hậu cũng nhờ vị cao nhân xem cho 1 quẻ về vận mệnh của vương triều.
Sau một khoảng thời gian chiêm nghiệm, bấm quẻ, vị cao nhân mới nói với vua rằng:
“Bẩm bệ hạ, chuyện này vốn rất hệ trọng, xin bệ hạ chấp nhận trước với thần 2 điều kiện thì thần mới dám nói.”
Nhà vua gật đầu.
“Thứ nhất, thiên cơ bất khả lộ, thần vốn có thể nói được đến đâu thì nói, không thể hỏi thêm. Thứ hai, lời nói thật khó nghe, nhưng dù khó nghe xin bệ hạ hãy tha tội cho thần”.
Nhà vua trong lòng cũng không thấy hài lòng lắm, nhưng vì nghe đây là chuyện hệ trọng nên cũng miễn cưỡng đồng ý.
Vị cao nhân mới nói rằng: “Bẩm bệ hả, nhà Nguyễn từ khi lập nghiệp ở đất Thuận Hóa đến nay đã qua 9 đời chúa. Các đời chúa đều tích thiện làm lành nên tạo dựng phước đức lớn mà nên nghiệp Đế ngày nay. Tuy nhiên, việc bệ hạ trả thù lũ giặc (ý ở đây là nhà Tây Sơn) quá tàn khốc, kể cả với những người đã chết (Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc) đã làm cho phước đức của hoàng tộc tổn thương không ít. Cho nên, theo quẻ của thần, nhà Nguyễn chỉ có thể tồn tại được qua 2 đời hoàng hậu mà thôi.”
Mặt vua biến sắc. Ngài vừa tức giận vì vị cao nhân kia dám buộc tội ngài làm tổn hại âm đức của hoàng tộc, lại còn lo lắng. Hai đời hoàng hậu nghĩa là chỉ hai đời vua thôi sao? Ngài định hỏi thêm, nhưng vị cao nhân đã xin cáo từ. Nhớ lời đã hứa, vua cũng không tiện hỏi thêm, cũng không quở trách gì vị cao nhân nọ.
Vị cao nhân rời khỏi hoàng cung, vua lập tức cho triệu tập các vị quần thần tin cẩn. Vua thuật lại câu chuyện cho các vị ấy nghe với vẻ lo lắng và đề nghị các vị ấy góp ý về chuyện này. Nhiều vị khuyên vua không nên tin những chuyện bói toán, thuật quẻ, nhiều khi không đúng. Nhiều vị lại khuyên vua rằng “Đức năng thắng số”, vua hãy làm các việc như xây chùa, xây lăng, đắp đường, miễn thuế cho dân… để tích tụ phước đức…
Đang bàn luận sôi nổi, bỗng có một vị đại thần lớn tuổi đứng ra tâu: “Tâu bệ hạ, thần suy nghĩ kỹ về lời nói của vị cao nhân, thì thấy ngài ấy nói rằng triều đại ta chỉ có thể tồn tại qua 2 đời hoàng hậu mà thôi chứ không phải nói chỉ tồn tại qua 2 đời vua. Ta cứ lo lắng vì ai cũng suy nghĩ rằng một đời vua thì ít nhất một đời hoàng hậu (có nhiều đời vua có phong nhiều hơn một hoàng hậu). Nếu từ nay, triều ta không phong hoàng hậu nữa, thì không phải chỉ có mỗi đương kim Thừa Thiên Cao hoàng hậu là hoàng hậu thôi sao. Vậy thì lo gì nữa”.
Các vị đại thần ai cũng cho đó là lời nói có lý. Từ đó trở đi, quy định không được phong hoàng hậu trở thành luật bất thành văn trong các triều nhà Nguyễn.
Cũng không biết có phải là nhờ cách này hay không, nhưng sau đó, dù cho trải qua rất nhiều biến cố lớn như việc giặc Pháp xâm lược và đô hộ nước ta khiến cho các vua nhà Nguyễn không còn thực quyền, rồi 4 tháng 3 vua (trong 4 tháng mà thay tới 3 vua), rồi phong trào Cần Vương chống Pháp bị thất bại, rồi việc các vua yêu nước như Duy Tân và Hàm Nghi bị Pháp bắt đi đầy biệt xứ… thì nhà Nguyễn vẫn tiếp tục tồn tại (ít ra là về danh nghĩa) cho đến triều vua Bảo Đại.
Trước hết phải nói về vua Bảo Đại. Ông từ nhỏ đã đi học ở Pháp nên bị ảnh hưởng rất nhiều bởi văn hóa phương Tây. Ông vốn ít tin vào những điều mà ông cho là “mê tín” dù nó đã tồn tại cả trăm năm. Ông đã bất chấp sự ngăn cản của các triều thần và hoàng tộc, cũng như phá vỡ nhiều tục lệ của các triều trước, để kết hôn với bà Nguyễn Hữu Thị Lan, tức là Nam Phương hoàng hậu.
Để cưới được người con gái xinh đẹp (3 năm lền đạt giải hoa hậu Đông Dương), giỏi giang (đi học ở Pháp từ nhỏ), lại xuất thân cao quý (con của nhà hào phú Nam Bộ là Nguyễn Hữu Hào, cũng là cháu ngoại ông Lê Phát Đạt – người giàu nhất Nam bộ đầu thế kỷ XX), vua Bảo Đại đã phải chấp nhận 4 điều kiện, cũng là chuyện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử các vương triều Việt Nam:
- Bà phải được tấn phong Hoàng hậu ngay trong ngày cưới;
- Bà được giữ nguyên đạo Thiên chúa, các con sinh ra đều được rửa tội và giữ đạo;
- Vua Bảo Đại được tự do giữ đạo cũ của mình là Phật giáo;
- Phải được tòa thánh Vantican cho phép đặc biệt hai người lấy nhau và giữ hai tôn giáo khác nhau, không ai bắt buộc ai về tôn giáo.
Cũng không biết do lời tuyên đoán của vị cao nhân kia là chính xác, hay do những biến động không thể đảo ngược của lịch sử, mà chỉ 11 năm sau ngày phong hoàng hậu (1934 -1945), nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng của lịch sử phong kiến nước ta, đã kết thúc.
Bản thân câu chuyện mang tính huyền hoặc, không thể xác minh. Cũng không biết là có thật hay không hay là do hậu thế căn cứ vào những chuyện xảy ra của lịch sử mà thêu dệt nên nữa. Thôi thì cứ chép ra đây để bạn đọc bình luận vậy…
Thank you!!!😍😍😍