Có một câu nói, rất đơn giản, nhưng ẩn chứa quyền năng rất lớn lao, bạn có muốn biết không? Xin được chia sẻ với các bạn câu chuyện: “Bí mật câu nói ẩn chứa quyền năng của thượng đế.”
Ngày xưa, tại vùng Trung Á có một đất nước nọ. Đó là một đất nước nhỏ và vừa trải qua rất nhiều biến động và khó khăn. Vừa có một trận lũ lụt lớn, đê đã bị vỡ và rất nhiều hoa màu, gia súc của dân chúng bị lũ cuốn đi mất, chưa kể rất nhiều người không may bị tử nạn. Nước lân bang láng giềng vừa xua quân qua đánh cướp. Chúng đánh đến tận kinh thành mà quân đội nước này không làm sao ngăn cản được. Đến nỗi vị vua của đất nước phải bỏ cả kinh thành mà trốn lên miền sơn cước ẩn náu. Cũng may bọn lân bang chỉ muốn cướp phá chứ không muốn xâm chiếm. Sau khi cướp được rất nhiều của cải, bọn chúng đã rút về nước, nhưng bọn chúng cũng không quên gây áp lực quân sự và đòi hỏi rất nhiều yêu sách vô lý.
Từ miền sơn cước trở về kinh thành, chứng kiến sự hoang tàn đổ nát của nơi đây, vị vua già không khỏi bàng hoàng. Ông ngẩng mặt lên trời mà than: “Trời ơi, con đã làm nên tội tình gì mà đất nước con phải gánh chịu những tai họa kinh hoàng như thể này? Con đã làm gì? Làm gì? Sao bao nhiêu tai họa cứ đổ lên đầu con và nhân dân của con?”. Và ông bật khóc, khóc nức nở như một đứa trẻ.
Có một vị pháp sư trong triều mới khuyên vua rằng ngài nên chay tịnh và làm một đàn tế trời đất, xin cho tai qua nạn khỏi với đất nước của ông, xin cho bình yên và hạnh phúc cho nhân dân của ông. Và dĩ nhiên, vị vua bằng lòng.
Vị vua đã ăn chay trong vòng bảy ngày, tắm rửa sạch sẽ, và giữ cho tâm hồn thanh tịnh trước khi lên đàn tế. Nhưng khi bước lên đàn cao, tầm nhìn rộng, chứng kiến những hoang tàn đổ nát xung quanh, nhà vua đã không cầm được nước mắt. Ông lại ngẩng lên trời mà than rằng: “Tại sao số phận lại nghiệt ngã với con và nhân dân con như vậy? Tại sao số phận lại ác nghiệt đến vậy?…”
Trong lúc trên đàn, nhà vua bỗng nhìn thấy một ông già, râu tóc trắng xóa, dáng điệu uy nghi, đường bệ nhưng cũng hết sức thanh thoát đang từ cổng thành đang xông thẳng đến đàn tế. Nhìn tướng mạo, nhà vua nghĩ đây không phải là một người tầm thường liền sai một vị quan xuống thăm hỏi và nghênh tiếp ông lão.
Khi vị quan gặp ông lão dưới chân đàn. Vị quan hỏi: “Ngài có việc gì mà lại xông thẳng đến đàn tế như vậy? Có biết là chốn linh thiêng chăng?”
Ông lão từ tốn vuốt râu mà trả lời: “Không phải người trên đàn kia mới ngẩng mặt mà kêu trời đó sao? Vậy ta đến gặp người đó thì có gì là không được?”
Vị quan nghe vậy thất kinh vội chạy về truyền nguyên lời ông lão đến cho vua. Vua vội thân chinh chạy xuống dưới đàn mà cung kính chào ông lão. “Chẳng hay lão tiền bối là cao nhân phương nào? Muốn gặp quả nhân có gì chỉ giáo, xin cứ nói”.
Ông lão lại từ tốn vuốt râu: “Lão có một câu nói bí mật, câu nói đó có quyền năng của Thượng đế, liệu bệ hạ có muốn nghe không?”
Vị vua mừng rõ ra mặt, vội cuối người mà rằng: “Xin cao nhân chỉ giáo”
Ông lão cười nhẹ, nụ cười hiền hòa, điềm đạm: “Chỉ sợ bệ hạ nghe xong mà nổi giận, hay nghe xong lại bỏ đó không làm, thì uổng công lão từ xa lặn lội đến đây! Nếu bệ hạ muốn nghe, xin bệ hạ hứa cho 2 việc. Thứ nhất là không được nổi giận. Thứ hai là nếu lão nói có lý, bệ hạ phải làm ngay, bệ hạ có đồng ý không?”
Vị vua sốt sắng: “Quả nhân xin hứa, quả nhân sẽ làm hai việc đó”
Ông lão lại nói: “Vậy, lão cần một phòng riêng để nói chuyện với bệ hạ, chỉ riêng với bệ hạ thôi, không có quan quân gì hết, có được không?”
Vị vua cảm thán: “Trải qua bao nhiêu chuyện, ta còn sống được đã là may, huống hồ lão đây lại có ý giúp ta, vậy việc gì mà ta phải sợ. Quân đâu, chuẩn bị cho ta một phòng trong hoa viên để ta tiếp kiến lão tiền bối”
Nói xong vua mời lão già về hoa viên, bước vào một căn phòng yên tĩnh, vua và lão ngồi xuống một cái bàn. Trên bàn đã có sẵn lư đốt trầm đang tỏa hương thơm nhè nhẹ.
Ông lão từ tốn cất lời: “Cho lão biết, gần đây đã xảy ra chuyện gì?”
Vị vua thở dài một tiếng rồi từ tốn kể: “Đầu năm nay, nước lũ ở con sông lớn chảy qua đất nước dâng cao. Đê chắn bị vỡ, rau màu, gia súc của dân chúng bị lũ cuốn đi cả. Thiệt hại về nhân mạng cũng không phải là ít…” Vua ngậm ngùi.
“Trong tình cảnh hậu quả thiên tai còn chưa giải quyết xong thì giữa năm nước lân bang tiến đánh. Làng mạc, nhà cửa, cung điện đều bị chúng cướp phá cả. Đến nỗi quả nhân phải trốn lên miền sơn cước, ăn rau rừng, uống nước lã mà lánh nạn”. Vua nói tiếp.
“Giặc giã rút về rồi thì trong nước giặc cướp nổi lên cướp phá khắp nơi. Nước lân bang cũng không quên gây áp lực để đòi nhiều yêu sách vô lý.
“Đúng là trời cao không có mắt, số phận thật là nghiệt ngã”.
Ra vẻ thông cảm, ông lão lại hỏi: “Thế bệ hạ nghĩ rằng cái gì đã tạo ra tất cả những việc đó?”
Nhà vua tròn mắt. “Đến bây giờ mà ông còn hỏi câu đó ư? Trời cao không có mắt nên đổ bao nhiêu là tai họa xuống đất nước này chứ do ai nữa?”
“Vậy bây giờ nhà vua đã sẵn sàng nghe câu nói có quyền năng của thượng đế chưa?”
“Xin lão chỉ giáo, quả nhân đang chờ để được nghe đây”
Bạn có muốn biết câu chuyện rồi sẽ như thế nào không? Chờ xem phần II nhé (Tại dài quá nên mình tách thành 2 phần)
đang chờ xem đó là câu nói nào nè. tập hai bật mí được rồi đó, hihihi
Dạ! Phần II và cũng là phần kết ở đây anh ơi. http://13.213.78.164/?p=71. Hy vọng mọi người ủng hộ để còn có động lực chia sẻ thêm nhiều câu chuyện hay khác nữa. Hihi..